PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI QUÂN KHU 2 VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: THỂ HIỆN RÕ HƠN CÁCH TIẾP CẬN GẮN NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Có ý kiến cho rằng tên dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhưng nội hàm dự thảo luật chưa đề cập tới trình độ khoa học, công nghệ đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh, chưa cụ thể hoá về nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh là sản xuất vũ khí, thiết bị phục vụ chiến đấu hay chỉ là sửa chữa và sản xuất quân tư trang. Trao đổi đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh vấn đề này:
Đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng chưa phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật. Đại biểu có quan điểm như thế nào?
ĐBQH Trần Văn Tiến: Theo tôi, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 cần xem lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm dự thảo luật. Cụ thể trong dự thảo luật không đề cập tới chức năng cũng như quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Do vậy, đề nghị thể hiện lại như sau: “Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chuẩn bị thực hành động viên công nghiệp quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật chưa đề cập tới đối tượng áp dụng. Tôi đề nghị nên bổ sung một điều về đối tượng áp dụng, cụ thể là "Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp". Về giải thích từ ngữ tại Điều 3. Đề nghị giải thích bổ sung một số từ, cụm từ sau: "Hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh" bao gồm những hoạt động nào? "Cơ sở công nghiệp quốc phòng", "Cơ sở công nghiệp, an ninh", "Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt", "Cơ sở công nghiệp động viên".
Ngoài ra, về nguyên tắc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại Điều 4. Theo tôi, điều này nên tách thành 2 điều, một điều quy định về nguyên tắc xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; một điều quy định về chính sách nhà nước phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, vì công nghiệp quốc phòng, an ninh có tính đặc thù. Nhà nước cần có những chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Cụ thể, tách khoản 3 và khoản 7 Điều 4 thành một điều quy định chính sách Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Phóng viên: Thưa đại biểu về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Điều 18 là vấn đề trọng tâm được quan tâm thiết kế trong dự thảo Luật lần này. Theo đại biểu cần hoàn thiện thêm quy định nào đảm bảo cơ chế lưỡng dụng trong hoạt động quốc phòng, an ninh.
ĐBQH Trần Văn Tiến: Về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Điều 18. Cần quy định cụ thể về định lượng hay tỷ lệ phần trăm so với tổng chi ngân sách nhà nước để đảm bảo hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Kèm theo đó là chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chương IV. Tôi đồng tình với chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, để đảm bảo cho luật dễ triển khai thực hiện và có tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các điều luật để hạn chế việc quy định dẫn chiếu chính sách của điều luật này đến các quy định của điều luật khác.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chương VI. Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm chỉnh sửa lại tên chương, cụ thể là bỏ cụm từ "trách nhiệm" và được điều chỉnh là: "Quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp". Bổ sung thêm một điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.