Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận tình trạng bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp, bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường.Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đây là một thực tế hết sức đau buồn. Tôi nhớ, Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anan đã phát biểu: “Xem xét một số vấn đề của tương lai, chúng ta không cần đến giải pháp của các máy tính cực kỳ hiện đại. Nhiều vấn đề của thế kỷ tới có thể thấy trước bằng cách nhìn xem chúng ta hiện đang chăm sóc con em mình như thế nào. Thế giới ngày mai có thể chịu ảnh hưởng của khoa học, kỹ thuật, nhưng trước hết nó định hình trong cơ thể và trí tuệ của trẻ em”. Chúng ta hy vọng nhà trường là một môi trường lành mạnh, tích cực, tràn đầy tình yêu thương để từ đó phát triển toàn diện năng lực đức – trí – thể - mỹ cho học sinh, và sau này trở thành công dân tương lai của đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Vì thế, bạo lực học đường đi ngược lại tôn chỉ, mục đích đào tạo của chúng ta. Thực tế này cần phải được giải quyết sớm để từ đó, với học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ở đó các em không chỉ được học kiến thức mà còn được trải nghiệm môi trường trong lành của tình yêu thương cùng các giá trị nhân văn khác, giúp các em có được tâm thế thuận lợi, tinh thần hướng thiện – những thứ rất quý giá để định hướng tương lai của chính các em.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng nhà giáo cũng cần là tấm gương sáng cho họ sinh nói theo. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Ngành giáo dục, trong thời gian vừa qua, đã làm được rất nhiều việc. Các trường học trở nên khang trang hơn, chất lượng dạy và học cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhần nhìn nhận những điểm chưa được để hoàn thiện hơn nữa chất lượng giáo dục, trong đó có vấn đề liên quan đến việc làm gương của các nhà giáo.
Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Học sinh đang trong lứa tuổi trưởng thành, luôn làm theo tấm gương của người thầy. Vì thế, việc trở thành một tấm gương tốt cũng là một nhiệm vụ, trách nhiệm của các nhà giáo. Khi không là một tấm gương tốt, họ khó lòng dạy những bài học đạo đức làm người cho học sinh.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, ngoài vai trò giáo dục của cha mẹ, gia đình thì nhiều năm nay giáo dục đặt nặng thành tích, coi nhẹ chữ “dạy lễ, nghĩa” nên không ít học sinh hung hăng, kích động, dễ giơ nắm đấm để giải quyết vấn đề. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi đồng tình một phần lớn với quan điểm này. Bệnh thành tích trong giáo dục cũng đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian vừa qua. Tác hại của bệnh thành tích rất lớn khi nó đảo lộn nhiều giá trị tốt đẹp, phá vỡ đi nhiều truyền thống văn hóa của dân tộc, làm nảy sinh ra bệnh giả dối, gian dối trong giáo dục, gây tác hại của nó rất nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà. Ngành giáo dục đã nhận thức được vấn đề này và có một số giải pháp khắc phục.
Dù vậy, tôi vẫn cho rằng, tính cách hung hăng, kích động của học sinh chịu ảnh hưởng từ nhiều lý do, từ cả gia đình, xã hội, lẫn không gian mạng, các phương tiện truyền thông. Sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta hình thành được một môi trường lành mạnh, hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Muốn có được môi trường lành mạnh ấy thì tinh thần này phải được quán triệt, thấm nhuần trong từng gia đình, tổ chức đoàn thể, xã hội, trong mỗi nhà trường, trên cả các phương tiện truyền thông. Có được sự đồng tâm, đoàn kết ấy, chúng ta mới có thể khắc phục được bệnh thành tích nói riêng, vấn nạn khác nói chung của giáo dục Việt Nam.
Phóng viên: Qua giám sát và triển khai các nội dung phối hợp với các Bộ, ngành trong vấn đề phát triển môi trường, văn hóa trường học nói chung và học sinh nói riêng, ông thấy cái khó khăn để giải quyết được vấn đề bạo lực học đường là gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng tôi nhận thấy rằng khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường đến từ nguyên nhân do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực cả ở ngoài đời thực và trên mạng xã hội.
Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy, vấn đề bạo lực học đường đến từ nguyên nhân do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực cả ở ngoài đời thực và trên mạng xã hội
Bên cạnh đó, những nguyên nhân như từ giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người; cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một bộ phận xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận nhà giáo; do phụ huynh ít quan tâm tới con cái hoặc cha mẹ thường nặng lời quát mắng con, bạo hành gia đình khiến trẻ em - đang trong giai đoạn hình thành nhân cách – bị tổn thương tâm lý, tình cảm dẫn đến những lệch lạc trọng nhận thức và hành vi.
Trong khi đó, cũng phải thừa nhận rằng, một số cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em khiến một số vụ việc xâm hại, bạo lực, các em vẫn không được hỗ trợ, cảm thấy đơn độc.
Phóng viên: Đối với vấn đề này, ngành giáo dục đã làm hết vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Vì những nguyên nhân này nên dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường nói chung, giải quyết bạo lực học đường nói riêng, thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, hay Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Ngày 22/8/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của cả xã hội đối với nhà trường nói riêng, sự nghiệp giáo dục nói chung.
Phóng viên: Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường tận gốc rễ, theo ông cần tập trung vào các giải pháp nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực ra, ngành giáo dục đã có những giải pháp nhất định nhằm ngăn chặn, phòng ngừa bạo lực học đường như tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030", Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025", ban hành các thông tư, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành giáo dục; Lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng "Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục" dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác...
Tuy nhiên, rõ ràng so với kỳ vọng của cử tri cả nước, chúng ta cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn cho vấn đề nghiêm trọng này. Theo tôi, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường tận gốc rễ, thứ nhất là nâng cao nhận thức của toàn xã hội với sự nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường gây ra những hệ lụy vô cùng lớn đối với không chỉ mỗi em học sinh, nhà trường mà với cả toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội, chứ không là công việc của riêng ngành giáo dục. Khi có nhận thức đúng và đầy đủ như vậy, chúng ta mới có những hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tận gốc là cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng tính chế tài với các hành vi bạo lực học đường.
Thứ hai là cần ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường. Không chỉ là những văn bản trực tiếp liên quan đến giáo dục mà ngay cả những văn bản liên quan gián tiếp khác như Luật an ninh mạng hay các quy định về mạng xã hội cũng rất quan trọng. Giờ đây, không gian mạng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu lan tràn, tiếp tay cho các hành vi bạo lực học đường. Xử lý được những vấn đề trên không gian mạng cũng giúp cho nạn bạo lực học đường được giải quyết tốt hơn.
Bên cạnh đó, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện cùng với việc xử phạt làm gương, vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính răn đe cho các hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, tích cực xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường cũng là một giải pháp mang tính bền vững. Một môi trường trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện, với bộ quy tắc ứng xử bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ với mọi người hay phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh, cùng với việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh là những giải pháp quan trọng khác giúp giảm nỗi lo, giải quyết được gốc rễ bạo lực học đường.
Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp quan trọng trên, theo ông, chúng ta cần làm gì để học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để tạo được môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cho học sinh, tôi cho rằng, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa đề án xây dựng văn hóa học đường, ở đó nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Nhà trường và các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có trách nhiệm cần làm hết trách nhiệm theo những gì pháp luật quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường.
Đồng thời cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của từng học sinh khi tham gia vào các vụ việc bạo lực học đường. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống đánh giá bạo lực học đường tại các trường học trên toàn quốc và hệ thống đánh giá trong trường học; xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin tình huống bạo lực học đường; rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn. Hiệu trưởng các nhà trường sẽ có những quyền xác định và phải chịu trách nhiệm rõ ràng khi có bạo lực học đường. Các nhà trường muốn chống bạo lực học đường phải chống “bệnh thành tích”, phải đánh giá cao các biện pháp chống bạo lực học đường mà các nhà trường đã vận dụng, không né tránh, giấu các hiện tượng bạo lực học đường…
Học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh chính là cách chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp trong tương lai. Vì thế, tôi mong muốn rằng, các cấp, các ngành và các địa phương có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về vấn đề nghiêm trọng này, từ đó bắt tay xây dựng những kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Vì thế, sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn không bạo lực, không bị xâm hại, chính là nhằm tạo ra thế hệ tương lai tốt đẹp cho đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!