Cần đánh giá kỹ tác động việc mở rộng phạm vi điều chỉnh
Phóng viên: Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Dự án Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Qua nghiên cứu qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi cho rằng, đây là một dự án luật tương đối lớn, phạm vi điều chỉnh rộng và có tác động rất sâu rộng đến kinh tế - xã hội, cũng như các đối tượng trong xã hội. Do đó, cần phải có những nghiên cứu, xử lý và xây dựng dự thảo cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Tôi cũng nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật này và việc mở rộng các đối tượng. Tuy nhiên, tôi còn một số băn khoăn như sau:
Thứ nhất, việc mở rộng đối tượng thế nào cho phù hợp trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay. Tôi cho rằng, trong bối cảnh khối lao động phi chính thức đang rất lớn, khối thu nhập không thường xuyên đang còn rất lớn mà chúng ta đưa ra mục tiêu chính trị lớn thì có thể trên thực tế sẽ khó thực hiện.
Thứ hai, tôi thấy về nguyên tắc thiết kế, cách tiếp cận thiết kế chính sách cho Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đầu tiên phải bảo đảm nguyên tắc về kinh tế. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên về kinh tế đối với tổng thể là phải giữ được quỹ, vì từ trước đến nay khi nâng tuổi nghỉ hưu, chúng ta luôn lo sợ vỡ quỹ, thiếu, vỡ quỹ. Nguyên tắc thứ hai là người tham gia phải thấy được quyền lợi của họ được đảm bảo và có lợi. Đó là hai nguyên tắc rất cơ bản trong việc thiết kế luật này.
Thứ ba, những vấn đề liên quan đến mục tiêu chính trị, mục đích chính trị, tôi cho rằng, nội dung nào thuộc về mục tiêu chính trị thì Nhà nước phải có can thiệp về kinh tế cho những nội dung chính sách đó. Còn hiện nay tôi thấy một số quy định mở rộng rất nhiều đối tượng xong lại giao cho các địa phương huy động các nguồn để đóng cho bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng, đây là một câu chuyện cực kỳ nan giải. Thời gian vừa qua, chúng ta giải quyết bảo hiểm y tế đã rất khó khan. Liên quan đến bảo hiểm xã hội đòi hỏi yêu cầu và nguồn lực rất lớn, tôi nghĩ rằng, cách tiếp cận chính sách phải theo hướng giải quyết được cả vấn đề nguyên tắc về kinh tế và nguyên tắc chính trị, mục đích của chính trị. Chính trị phải có kinh tế trong đó chứ không thể nào dùng nguyên tắc chính trị đơn thuần để giải quyết được.
Thứ tư, liên quan đến đối tượng, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mở rộng rất nhiều nhưng tôi băn khoăn ở nhóm lao động phi chính thức, làm thế nào để xác định các việc làm ổn định có thu nhập là một vấn đề rất khó hiện nay. Thực tế cho thấy, có những người lao động không hề biết thông tin về vấn đề bảo hiểm nhưng có rất nhiều trường hợp không muốn đóng. Đặc biệt lớp trẻ vì nguồn thu nhập của họ còn rất ít, mặc dù họ biết sẽ có lợi cho mình khi tuổi già nhưng ở tuổi này họ chưa hề nghĩ đến. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có những tính toán về yếu tố xã hội. Đồng thời cần cân nhắc và có những đánh giá tác động về số lượng và đánh giá tác động việc mở rộng nhóm đối tượng này như thế nào, đến mức độ nào cho phù hợp.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Không thể một quy định bao phủ hết tất cả các trường hợp
Phóng viên: Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định về việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Về nội dung này, chủ trương thì tôi ủng hộ nếu như nhà nước có nguồn lực. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn nguồn lực của Nhà nước trong khi hỗ trợ đóng bảo hiểm. Điều đầu tiên là số người sẽ tăng lên, nguồn lực tăng lên nhưng vấn đề là không bình đẳng trong nguyên tắc kinh tế, tức là người đóng BHXH 15 năm cũng bằng người đóng BHXH 40 năm. Trong khi đó, tỷ lệ hưởng chênh nhau một nửa, người đóng 15 năm hơn 40% và người đóng lên 40 năm tức đóng gấp ba lần thì cũng chỉ được có 75%. Điều này sẽ không bảo đảm nguyên tắc về kinh tế, dẫn đến bất bình đẳng, yếu tố không công bằng trong xã hội sẽ dẫn đến trường hợp “nay đóng - mai rút”, do đó không tạo nên một hệ thống lao động ổn định để họ đóng liên tục mấy chục năm trong quá trình làm việc.
Tất nhiên ở đây liên quan đến khối lao động ngoài nhiều hơn khối doanh nghiệp, khối công chức ổn định, không có vấn đề gì nhưng khối lượng lao động bên ngoài là câu chuyện chúng ta phải tính đến rất nhiều.
Vì vậy, tôi đề nghị cần làm rõ đóng BHXH 15 năm hay 20 năm thuộc trường hợp hưởng lương hưu, nhưng đóng dưới 20 năm hay 15 năm thì chỉ là trợ cấp hưu, hai khái niệm này phải rõ ràng thì tác động chính sách sẽ khác.
Tôi đề nghị phải có nghiên cứu đánh giá tác động rất kỹ và gắn với các loại hình ngành nghề và lao động để xử lý phù hợp, không thể một quy định bao phủ hết tất cả các trường hợp được. Chẳng hạn như với nhóm lao động độc hại, họ có thể đóng BHXH 15 năm, hoặc ở những vùng rất xa xôi, khó khăn, vùng miền núi, vùng cao có thể đóng BHXH ở mức đó nhưng ở những vùng khác thì không.
Việc rút BHXH một lần cần nghiên cứu phương án mới theo nguyên tắc đóng bao nhiêu - hưởng bấy nhiêu
Phóng viên: Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tham gia góp ý sôi nổi tại nghị trường. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Đại biểu nhận xét gì về 2 phương án này?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, tôi cũng rất băn khoăn. Câu chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần thì tôi nghĩ không thể tránh khỏi.
Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực. Với quy định hiện nay, người lao động đóng BHXH ít nhất là 8%, doanh nghiệp đóng 14%, khi rút thì người lao động được rút cả phần của doanh nghiệp đóng, có lợi như thế thì không dại gì không rút. Tôi nhận thấy, quy định như vậy không đi theo nguyên tắc kinh tế, sai về nguyên tắc kinh tế.
Loại ý kiến thứ hai lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tôi cho rằng, phương án này cũng không có cơ sở. Hoặc nếu không cho rút BHXH một lần thì cũng không hợp lý, chúng ta cũng chưa thể làm được theo các nước.
Tôi nghĩ nguyên tắc đầu tiên là đóng bao nhiêu thì được rút bấy nhiêu, hoặc Nhà nước cho thêm một phần nữa của phần doanh nghiệp đóng, ít nhất người lao động chỉ được 8%, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm trích từ nguồn quỹ chung của 14%, thêm khoảng 4% nữa, tức người lao động được rút lên đến 12%. Khi đó việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ được hạn chế rất nhiều.
Chỉ khi nào chúng ta thuyết minh được anh đóng bao nhiêu thì anh được rút bấy nhiêu, đóng 8% thì được rút đúng 8%, còn Nhà nước có thể cho thêm đó là quyền của Nhà nước, vì đó là quỹ rủi ro chung, quỹ chia sẻ. Về nguyên tắc như vậy mới hợp lý.
Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ nội dung này và tôi không đồng ý với cả hai phương án của Chính phủ đưa ra mà cần phải nghiên cứu một phương án mới, thiết kế theo hướng đó thì sẽ phù hợp. Đồng thời cho phép rút BHXH ra thì vẫn được đóng lại, nguyên tắc là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu để có thể đóng 15 năm, đóng tiếp lên 20 năm hoặc dưới 15 năm, nhưng phần hưởng phải tương xứng với phần đóng theo quy định. Tôi cho rằng, hướng xử lý như vậy sẽ phù hợp hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.