TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/11: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024
Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Vì vậy, với mục tiêu không ngừng đổi mới, năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Trong đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực, trong đó, có một số lĩnh vực được Quốc hội quan tâm, tiến hành giám sát nhiều lần.
Cụ thể: các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; lao động, thương binh và xã hội; nội vụ (có 2 nghị quyết chất vấn và 1 nghị quyết giám sát chuyên đề). Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (có 1 nghị quyết chất vấn và 2 nghị quyết giám sát chuyên đề); lĩnh vực tài nguyên và môi trường (có 1 nghị quyết chất vấn và 1 nghị quyết giám sát chuyên đề). Các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng; ngân hàng; thông tin và truyền thông; thanh tra (có 2 nghị quyết chất vấn)….
Qua báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và diễn biến phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.
Mặc dù vậy, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Đánh giá cao việc Quốc hội thực hiện “giám sát lại”, các đại biểu cho rằng, hoạt động này là vô cùng cần thiết và phải được quan tâm triển khai nhằm đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết. Từ đó, bảo đảm các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện một cách hiệu quả, đầy đủ, nghiêm túc trên thực tiễn.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, khác với các phiên xem xét việc thực hiện các nghị quyết trước đây, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn. Theo đó, các vấn đề chất vấn được chia thành 4 nhóm lĩnh vực lớn. Với cách thức này, đã tạo thuận lợi cho việc chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như việc trả lời của người được chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực đã được giám sát.
Qua các phiên chất vấn các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; có sự đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng; sử dụng, tận dụng tối đa, hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề; góp phần tăng tính dân chủ, pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội. Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
Khẳng định ý nghĩa của hoạt động “giám sát lại”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá rõ được những chuyển biến trên thực tế so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết. Từ đó, đánh giá tính hiệu quả, nghiêm túc trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV, và là lần thứ tư, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Điều này, thể hiện Quốc hội ngày càng hoạt động đi vào thực chất, đề cao tính hiệu quả.
Đại biểu cho rằng, với phương châm tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai rất sớm công tác chuẩn bị, để việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn bảo đảm kỹ lưỡng; có sự điều chỉnh linh hoạt thời lượng dành cho từng nhóm lĩnh vực được chất vấn bám sát những vấn đề thực tiễn đặt ra và tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri.
Ấn tượng với kết quả phiên chất vấn, đại biểu bày tỏ tin tưởng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết sau hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề với những nội dung xác đáng, thiết thực, có những đổi mới đáng kể, giúp cho việc giám sát thực hiện những vấn đề đã cam kết trong các nghị quyết của Quốc hội được kịp thời và có căn cứ.
“Việc Quốc hội thực hiện giám sát lại các nghị quyết giám sát, chất vấn lần này thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng những việc làm, lời hứa của Chính phủ và các tư lệnh ngành trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội…”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu rõ.
Cũng theo đại biểu, đây là cách làm mới của Quốc hội để chỉ ra những nội dung đã làm được, những điểm chưa làm được; đồng thời đưa ra bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt nhất để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ giúp nghị quyết khi ban hành phải phát huy hiệu quả, tạo bước đột phá trong thực tiễn.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Như vậy, hoạt động “giám sát lại” ngày càng được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, bên cạnh việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Quốc hội cũng lựa chọn chất vấn các nội dung đã giám sát, chất vấn nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của người bị chất vấn, đặc biệt là người đứng đầu, nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được đưa ra phân tích, xem xét thấu đáo dưới nhiều góc độ. Qua đó, cử tri và Nhân dân cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội./.