Ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6
Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng.
Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế. Công tác thanh niên, trẻ em còn tồn tại một số vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng. Dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6
Công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.
Qua nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2024. Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến nhanh, phức tạp nằm ngoài dự báo, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đã có tác động tiêu cực nhất định đến tình hình kinh tế của nước ta.
Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi, chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên chỉ ra, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra: ba động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đều chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt như kỳ vọng và chưa thể hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.
Đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc để sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu nền kinh tế
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề xuất, kiến nghị một số giải pháp cụ thể. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc để sản xuất kinh doanh, để tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là công tác giải phòng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giải ngân vốn đầu tư công; cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân; cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí.
Có giải pháp bảo đảm thực hiện các dự án thuận lợi và giải ngân được ngay
Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư. Nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư, dự án mới có thể giải ngân được. Đại biểu cho rằng, đây là vướng mắc, điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công sẽ gặp khó khăn và chậm tiến độ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản
Đồng thời, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án, việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời, sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.
Tiếp tục có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng được nguồn lực từ các dự án bất động sản; có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền bảo đảm tính thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn, bảo đảm minh bạch hóa và giảm chi phí trung gian để nhà đất trở về giá trị thật bảo đảm để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án; đẩy nhanh hơn tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo tiến độ và yêu cầu đề ra, kịp thời tháo gỡ việc không thống nhất giữa các quy hoạch ở khu vực dự án; vấn đề bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; vấn đề điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí; vì hiện nay trên cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế tạo ở Việt Nam, có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện mà các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được.
Tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau; có cơ chế để các nhà đầu tư, các nhà thầu ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí ở trong nước sản xuất được hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất để hạn chế phải nhập khẩu; có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước, như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, có đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuổi sản xuất - cung ứng toàn cầu…
Thực hiện chuyển đổi các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện
Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có chính sách và giải pháp đột phá, đồng bộ tương ứng với các quốc gia trong khu vực, nghiên cứu để trình Quốc hội sớm ban hành 01 Nghị quyết riêng về thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng, thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, lắp ráp nhằm đưa Việt Nam trở thành là một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; có lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới. Đại biểu Thắng nhấn mạnh, đây là một bước để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 lần thứ 26 và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thực hiện mục tiêu đề ra đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh./.