TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 30/10: THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Đại biểu Tô Ái Vang, Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Ngày 30/10, tại Kỳ họp thứ 6, chia sẻ bên lề phiên họp giám sát tối cao việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Đại biểu Tô Ái Vang cho biết rất đồng tình với báo cáo kết quả giám sát thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về XD NTM (2021-2025), giảm nghèo bền vững (2021-2025) và phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN (2021-2030) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, nganh và địa phương nên tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG bước đầu đạt được những kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên đại biểu đề nghị Quốc Hội, Chính phủ xem xét cân đối, tăng nguồn vốn đầu tư thực hiện CTMTQG XDNTM mới giai đoạn 2021 –2025, nhất là đối với các tỉnh nghèo, các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, do đặc điểm của vùng có kết cấu nền đất yếu, địa hình nhiều sông ngòi, cùng với tập quán sinh sống phân tán, của cư dân nông thôn, nên nhu cầu nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn là rất lớn, cần được bố trí nguồn lực đúng mức cho xây dựng nông thôn mới, để đảm bảo mục tiêu thực chất, chất lượng và bền vững. Về nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực tế triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm, sẽ dẫn đến, nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương, không đảm bảo nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm. Đối với những tỉnh miền núi, vùng ĐBDTTS còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng thì việc phát huy nội lực, thực sự còn rất hạn chế.
Xoay quanh về chính sách Tín dụng ưu đãi, đại biểu chia sẻ với gánh nặng ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương phải cân đong, đo đếm sao cho cái bánh ngân sách có giới hạn, phải chia cho rất nhiều phần, trước rất nhiều nhu cầu, bởi vì đâu đâu cũng cần phải có ngân sách. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu phải nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần ở các nhóm đối tượng yếu thế, trước yêu cầu phát triển của các địa phương, các vùng, miền và cả nước,....Đại biểu Tô Ái Vang dẫn lời của Thủ tướng đã phát biểu chỉ đạo rằng “tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách Nhà nước, là khư khư giữ tiền, tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm, tiền đẻ ra tiền, các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam”. Đứng trước thực tế đại biểu cũng đưa ra 5 kiến nghị:
Thứ nhất, tăng nguồn vốn cho vay, giúp người dân có điều kiện và an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, để công tác giảm nghèo mang tính bền vững.
Hai là, bổ sung đối tượng cho vay: Cho vay đến tất cả các đối tượng thuộc hộ nghèo mà không phân biệt, là ở tại địa bàn thuộc vùng ĐBKK, vùng ĐBDTTS hay không; cho vay các hộ ĐBDTTS cư trú hợp pháp tại vùng ĐBDTTS&MN; hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, được vay vốn sản xuất kinh doanh; chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, chuyển đổi nghề, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, theo hợp đồng; cho vay theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
Đặc biệt nhất là hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận thoát nghèo đến đủ 5 năm, vì 03 năm chưa đủ thời gian để các hộ gia đình có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Thứ ba, đại biểu cho rằng 03 chương trình mục tiêu Quốc gia thuộc thẩm quyền tham mưu của 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc-CP, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan chủ dự án thành phần, để thông báo và phân bổ kịp thời mức vốn sự nghiệp năm 2024 và 2025 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2023 của Chính phủ;.
Thứ tư là kiến nghị NHCSXH, tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2024 – 2026. Tại tỉnh Sóc Trăng, dự kiến triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 2.631 căn; trong đó, nhà ở công nhân tại khu công nghiệp là 2.131 căn nhà, và xem xét bổ sung chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng năm 2023, đối với chương trình cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, với số tiền 485tỷ đồng; chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 150 tỷ đồng.
Về vấn đề thứ 5, đại biểu đồng tình cao với tờ trình 557 của Chính phủ về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CT MTQG (2021-2025) và đề xuất kéo dài thời gian thời gian thực hiện, giải ngân vốn NSNN thực hiện các CTMTQG đến hết năm 2024./.