Tham gia góp ý tại Phiên thảo luận Tổ 10 vào sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế (BC số 2330/BC-UBKT15 ngày 20/10/2023) về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.
Nhằm bổ sung, hoàn thiện báo cáo và xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Văn An cho rằng, về công tác quy hoạch mặc dù được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, quyết định, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII... Tuy nhiên, việc chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 vẫn là một điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu tỉnh Thái Bình chỉ rõ, theo báo cáo thẩm tra, đến hết tháng 9/2023 mới có 16/39 quy hoạch ngành quốc gia và 13/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt, quyết định. Vấn đề này Quốc hội đã có Nghị quyết giám sát chuyên đề, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2023. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chậm lập, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch. Báo cáo cần bổ sung danh mục cụ thể các Quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh chưa hoàn thành và dự kiến tiến độ hoàn thành trong thời gian tới.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn An, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt, công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tuy nhiên đến nay vẫn chưa ban hành được kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Nguyên nhân một phần cũng là do khó khăn vướng mắc khi Quy hoạch không gian biển Quốc gia, Quy hoạch BVMT quốc gia và Quy hoạch nhiều tỉnh, thành phố chưa được phê duyệt đồng bộ (dẫn đến chưa đủ căn cứ xác định phạm vi quản lý, giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; dự án điện khác ở vùng biển ven bờ). Do đó, đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cần nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt, quyết định Quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch tỉnh.
Liên quan đến dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, đối với các chỉ tiêu chủ yếu, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải ra môi trường lưu vực các sông được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; và tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp trực tiếp vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ TN&MT cho thấy có 02 mục tiêu thực hiện còn nhiều khó khăn thách thức là “70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt”.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở các cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề. Vẫn còn 85% nước thải sinh hoạt đô thị và hầu hết nước thải từ các điểm dân cư nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Lượng rác thải phải chôn lấp vẫn còn chiếm khoảng 65-70%, còn nhiều bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn An cũng cho biết, trong năm 2023 Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình đàm phán, huy động các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động sau nhiều năm bị gián đoạn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… được cử tri đánh giá cao.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nguồn điện lớn như Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng); và các dự án hạ tầng năng lượng quan trọng khác trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Đồng thời, đề nghị xem xét đưa vào dự thảo Nghị quyết kế hoạch KTXH năm 2024 nội dung: “Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành. Kịp thời xử lý tình trạng thiếu điện, cắt điện cục bộ, cân đối đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước”./.