Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023 với 2 đợt: Đợt 1 là 15 ngày: Từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 là 7,5 ngày: từ ngày 20/11 đến sáng 29/11/2023. Để chuẩn bị cho Kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm tổ chức hiệu quả Kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thực hiện khối lượng công việc rất lớn, xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân
Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 và những nội dung sẽ đưa ra xem xét thông qua tại Kỳ họp lần này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Kỳ họp thứ 6 lần này là Kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm. Chúng ta thấy, Quốc hội tại Kỳ họp này sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống của nhân dân, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV.
Theo như dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chúng ta sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 08 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, thực hiện công tác xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026). Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Về công tác giám sát, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4…
Đặc biệt, trong Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành công việc quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tôi cho rằng, điều này vừa phản ánh tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội trong việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri, phù hợp với đòi hỏi của tình hình hiện nay của đất nước, vừa thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, năng động, sáng tạo, chuẩn bị tốt các công việc từ sớm, từ xa đối với các nội dung của Kỳ họp.
Tôi tin, với tinh thần như vậy, cử tri chắc chắn sẽ tin tưởng nhiều hơn vào những quyết định sáng suốt của Quốc hội.
Lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”
Phóng viên: Một nội dung quan trọng sẽ cho ý kiến tại kỳ họp này là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu/phê chuẩn. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu/phê chuẩn rất quan trọng, và tôi tin, cử tri cả nước sẽ rất quan tâm đến nội dung này.
Đối với người giữ chức vụ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”. Kết quả tín nhiệm chính là tấm gương soi, đánh giá của đại biểu Quốc hội (và cũng là của cử tri) về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ. Để từ đó, họ có thêm nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước.
Rõ ràng, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu/phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.
Kỳ vọng đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn
Phóng viên: Hai dự án luật quan trọng dự kiến được thông qua tại kỳ họp này là: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu kỳ vọng gì vào việc chỉnh lý các dự án luật này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đây là hai dự án luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, ảnh hưởng đến từng người dân. Trong các lần tiếp xúc cử tri của mình, tôi nhận thấy rằng, hầu hết các khiếu kiện đều liên quan đến đất đai, nhà ở.
Vì thế, nếu giải tỏa được điểm nghẽn này, chúng ta không chỉ tạo ra một hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn cho sự phát triển trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, mà còn tạo ra một nguồn lực lớn cho sự phát triển đất nước, giảm khiếu kiện từ đó tạo tinh thần phấn chấn, thoải mái, đoàn kết hơn trong xã hội.
Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận để xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là thời cơ vàng để vực dậy thị trường bất động sản, nhà ở phát triển bền vững trong dài hạn nhờ hoàn thiện các chính sách theo hướng đồng bộ hơn. Tôi kỳ vọng, Quốc hội sẽ tiếp thu hoàn thiện các dự thảo luật quan trọng này với chất lượng cao nhất, để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn.
Tiếp tục đổi mới hơn, sáng tạo hơn!
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông có đánh giá như thế nào về sự cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong các Kỳ họp Quốc hội? Ông có kỳ vọng gì về Kỳ họp thứ 6 lần này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nhận thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, các Kỳ họp Quốc hội đã ghi nhiều dấu ấn đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Sự cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong các Kỳ họp Quốc hội khóa XV đã thực sự tạo ra chất lượng, hiệu quả trong các quyết sách của Quốc hội, thực sự đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri của cả nước, tạo điều kiện phát triển đất nước trong những giai đoạn hết sức khó khăn, ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới sự chuyên nghiệp, gần dân, sát dân và vì dân.
Chính vì thế, tôi mong rằng, Kỳ họp thứ 6 lần này sẽ tiếp tục phát huy được tinh thần đó với những kết quả tích cực hơn nữa. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Vì lợi ích của dân để chọn quyết sách
Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội được nhân dân bầu nên, ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong mỗi Kỳ họp, khi bàn thảo về những quyết sách lớn của đất nước, những vấn đề có ảnh hưởng đến nhân dân?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa hạnh phúc của nhân dân trở thành mục tiêu trong hoạt động của Đảng, với các quan điểm: "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", "lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu", "nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân", thực chất là sự khẳng định một mục tiêu có tính nền tảng, cốt lõi trong đường lối lãnh đạo xuyên suốt lịch sử hơn 90 năm kể từ khi ra đời của Đảng.
Đại biểu Quốc hội vừa mang trong mình niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề để đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cả nước. Theo tôi, với trách nhiệm tham gia vào việc soạn thảo và thông qua các dự án Luật, quyết định, và chính sách lớn của quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhất định phải nắm vững kiến thức và hiểu rõ các vấn đề phức tạp để đưa ra quyết định sáng suốt, có lợi nhất cho nhân dân và toàn xã hội.
Trong quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội phải giải quyết xung đột giữa các định kiến và lợi ích khác nhau của các nhóm khác nhau, vì thế trách nhiệm của đại biểu là tìm cách đạt được sự đồng thuận và giải quyết vấn đề một cách xây dựng, hiệu quả nhất.
Trên hết, đại biểu Quốc hội phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Đó là lý do, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tạo cơ hội cho cử tri tham gia ý kiến vào các quyết định quan trọng của đất nước bằng cách tổ chức các cuộc họp tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, và thông báo về quyết sách ấy.
Trong giai đoạn hiện nay, khi diễn biến trên thế giới có nhiều phức tạp, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội càng phải thể hiện quyết tâm, ý chí và khát vọng cống hiến để những đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa, giá trị xây dựng môi trường pháp luật thuận lợi, giám sát tốt hoạt động của Nhà nước, tạo điều kiện để xử lý, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, từ đó giúp đất nước phát triển bền vững hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!