TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA CÁC NGHỊ SỸ TRẺ TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TOÀN CẦU
NHÓM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẺ VIỆT NAM VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC CHO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Ban Thư ký quốc gia
Phóng viên: Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 14/9-17/9 tại thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Đại biểu đánh giá thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này?
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Ban Thư ký quốc gia: Quốc hội nước ta đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó nổi lên một số điểm chính sau:
Một là, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do tác động đa chiều (xung đột tại Ucraina, hệ lụy của đại dịch COVID-19, lạm phát và biến đổi khí hậu), trong khi 1/3 số nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái cục bộ. Xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch chuỗi cung ứng đang ngày càng được các nước ưu tiên và đẩy mạnh;
Hai là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn bước vào giai đoạn gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Sự đối đầu giữa Mỹ/phương Tây và Nga leo thang; xung đột Nga - Ucraina kéo dài, ngày càng khốc liệt, tiềm ẩn những diễn biến khó lường và chưa có triển vọng giải quyết, đồng thời gây chia rẽ, phân tuyến trong quan hệ quốc tế, làm gia tăng cạnh tranh và nguy cơ đối đầu quân sự giữa các nước lớn;
Ba là, hệ luỵ kéo dài của các cuộc xung đột, khủng hoảng lương thực, năng lượng... đã tạo áp lực lên đời sống của người dân; đói nghèo ngày càng tăng, cuộc sống của một bộ phận dân chúng bấp bênh hơn; đưa đến tâm lý bất mãn, phản kháng, mất niềm tin vào thể chế chính trị; các xu hướng cực đoan bắt đầu trỗi dậy, các cuộc biểu tình ngày càng tăng... dẫn đến bất ổn ở các quốc gia, ngay cả ở nhiều nước vốn có mức độ ổn định xã hội cao;
Bốn là, các bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội đã kéo lùi các thành tựu chống đói nghèo trên thế giới, làm chậm trễ việc thực hiện các cam kết về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, nền kinh tế nước ta được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi cho triển khai các hoạt động đối ngoại của nước ta. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước. Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của các diễn đàn hợp tác liên nghị viện quan trọng như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), v.v. Đây là những kênh ngoại giao nghị viện đa phương có nhiều đóng góp vào việc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các nghị viện; mở rộng vai trò, ảnh hưởng của các nghị viện đối với các vấn đề chung, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Phóng viên: Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Vậy các phiên thảo luận sẽ tập trung vào những nội dung nào, qua đó góp phần thể hiện thông điệp gì đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay, thưa đại biểu?
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Ban Thư ký quốc gia: Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên; ban hành các Nghị định triển khai Luật thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tạo cơ chế, chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội Việt Nam cũng đã thành lập Nhóm Nghị sĩ trẻ từ khóa XIII, tạo diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách cho giới trẻ.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu hàng năm của IPU là diễn đàn đặc biệt dành cho các nghị sĩ trẻ gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, định hình các chiến lược chung và đổi mới nhằm thúc đẩy mục tiêu trao quyền cho nghị sĩ trẻ và thanh niên. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (năm 2023) sẽ tập trung thúc đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đại hội đồng IPU lần thứ 132 (năm 2015) tại Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Các mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Tiến độ thực hiện quá chậm mặc dù chúng ta đã đi được nửa chặng đường tới Chương trình Nghị sự 2030, và chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được các SDGs. Theo Liên hợp quốc, chỉ có 12% các SDGs đang được thực hiện đúng hướng, trong khi 50% lệch hướng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi cộng đồng quốc tế nỗ lực mạnh mẽ hơn và có bước đột phá để đạt các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, trong đó có chuyển đổi số, tận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nỗ lực tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận và giải pháp mới đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá và con người. Các nghị sĩ trẻ, với tư cách là những nhà chính trị gần nhất với thế hệ trẻ, am hiểu về kỹ thuật số và có nhiều đóng góp trong việc khai thác những giải pháp dựa trên tiếng nói và tài năng của giới trẻ.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để các nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị văn hóa và con người. Hội nghị sẽ tập trung vào 3 chuyên đề chính:
Chủ đề của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Chuyên đề 1 về chuyển đổi số sẽ tập trung vào các vấn đề sau: (i) Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); (iii) Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững. Đồng thời, đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.
Chuyên đề 2 về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tập trung vào các vấn đề sau: (i) Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); (ii) Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (iii) Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; (iv) Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Chuyên đề 3 về Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững sẽ tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa, cụ thể: (1) Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; (2) Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; (3) Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; (4) Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Phóng viên: Việc Quốc hội đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ 9 đã thể hiện đường lối đối ngoại của nước ta như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa đại biểu?
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Ban Thư ký quốc gia: Tiếp theo sau việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 vào tháng 3/2015 tại Hà Nội, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong năm 2023 sẽ là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên, và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Hội nghị cũng là dịp tốt để ta quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.