Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Quan tâm đến nội dung về bảo lãnh, cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất cần thiết phải có sự bảo lãnh để bên mua và bên bán có tự tin tưởng lẫn nhau với mức bảo lãnh 10%. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cơ quan soạn thảo quan tâm thêm đối với việc hủy đặt cọc phải có bảo lãnh của ngân hàng. Đại biểu cho biết, thực tế thời gian qua, có một số ngân hàng không bảo lãnh cho chủ đầu tư nên người mua bị ảnh hưởng rất lớn trong trường hợp này, do vậy việc bảo lãnh của ngân hàng là cần thiết.
Ngoài ra, theo đại biểu, vấn đề về tiền đặt cọc cũng cần quan tâm quy định cụ thể trong trường hợp hủy hợp đồng giao dịch bất động sản. Theo đó dự thảo Luật cần quy định rõ, bên hủy hợp đồng có mất tiền đặt cọc hay không?
“Ví dụ bên mua đặt cọc 10% nhưng không mua nữa, đòi tiền đặt cọc nhưng chủ đầu tư không trả hoặc trong trường hợp đã đặc cọc rồi nhưng bên chủ đầu tư không giao nhà theo hợp đồng và bên mua đòi mãi mà chủ đầu tư không trả… Trong các trường hợp như vậy, bên mua và bên bán không thỏa thuận được với nhau thì cần phải có quy định cụ thể để xử lý tiền đặt cọc trong các trường hợp này”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, liên quan đến điều kiện của tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất theo nội dung báo cáo giải trình. Tuy nhiên cần phải quy định rạch ròi, cụ thể đối với trường hợp những cá nhân mua bán nhiều lần trong kinh doanh bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì cần phải có chế tài nhất định.
Toàn cảnh hội nghị
Về điều kiện chuyển nhượng bất động sản, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nội dung này cũng cần quy định cụ thể, theo đó bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện đúng dự án mà bên nhượng đã chuyển nhượng, đã hoàn thành.
Đối với nội dung liên quan đến công chứng và chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản, đại biểu Hòa cho rằng, nếu một bên là tổ chức và doanh nghiệp thì hợp đồng kinh doanh bất động sản này phải bắt buộc công chứng, chứng thực, chứ không thể nào không chứng thực được vì trong thời gian qua đã xảy ra các vụ việc thiệt hại cho người dân, khách hàng đi mua. Do vậy, đại biểu cho rằng, việc công chứng và chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản là cần thiết. Đại biểu cho biết, nội dung này đang còn nhiều ý kiến khác nhau, do vậy cần chỉnh lý thận trọng, để cơ bản phải bảo vệ được quyền lợi cho khách hàng.
Đặc biệt, đối với nội dung giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất với ý kiến giải trình của Ủy ban Kinh tế, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bên yếu thế trong quan hệ giao dịch bất động sản.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp phân tích, thời gian qua qua tổng kết, sàn giao dịch bất động sản chủ yếu thực hiện hoạt động môi giới, àm trung gian, giới thiệu sản phẩm bất động sản nhằm mục đích kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho cá nhân, cho bên cần giao dịch và hưởng lợi ích, chứ chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch và năng lực của sàn giao dịch. Do đó, đại biểu Hòa đề nghị lược bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản khỏi dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trong dự thảo Luật này, chỉ nên quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản, chứ không nên quy định theo hướng bắt buộc./.