Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này". Đại biểu mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”.
Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo Luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra. Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính ổn định lâu dài của chính sách; tạo động lực phát triển thông qua chính sách thông thoáng; cơ cấu lại theo hướng giảm số nhà ở cao cấp, tăng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Để tránh tình trạng đầu cơ và mất cân đối thị trường, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải dẫn thành công tại Singapore. Theo ông, quốc gia này đánh thuế lũy tiến bất động sản, mua căn nhà thứ 2 phải trả thuế 7% giá trị bất động sản, 10% cho căn thứ 3. Nếu mua và bán bất động sản ngay trong năm đầu tiên mua, phải đóng thuế 16% và giảm dần sau 4 năm còn 0%. Người dân càng mua nhiều bất động sản, mức được vay càng thấp. Như mua căn nhà thứ nhất được vay 80%, căn thứ 2 còn 60%. Sau khi áp dụng các chính sách trên được vài năm, giá bất động sản tại Singapore được kiểm soát, giảm ở tất cả phân khúc.
Liên quan vấn đề điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, giá bất động sản biến động như hiện nay tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Giá nhà, đất tăng cao khiến người thu nhập thấp không thể thuê, mua và làm môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Đồng tình phải tôn trọng quy luật thị trường, song đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần có quy định kiểm soát giá bất động sản và cụ thể hóa trách nhiệm, tính chủ động cơ quan quản lý, thay vì chờ đến khi xảy ra mới đi điều tiết thị trường.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, quy định của dự thảo Luật về việc Nhà nước điều tiết khi có biến động là chưa đủ mạnh. Đại biểu dẫn chứng thực tế thị trường bất động sản ở một số quốc gia khác và cho biết như tại Trung Quốc hiện dư thừa hơn 30 triệu ngôi nhà chưa bán được, hoặc có những căn nhà đã bán nhưng không có người ở…gây lãng phí. Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng cần có quy định về việc điều tiết của Nhà nước một cách tốt hơn và sớm hơn bởi nếu chỉ điều tiết khi thị trường có biến động là sẽ không kịp.
Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, cần các quy định về phương pháp điều tiết của Nhà nước như có chính sách về thuế nhằm hạn chế tính trạng đầu cơ nhà ở, hay quy đinh về thủ tục hành chính để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lâu dài. Đại biểu cũng cho biết thêm, khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở, các đại biểu quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, trong trường hợp Nhà nước có sự điều tiết tốt thì chỉ những người có nhu cầu thực sự mới mua nhà ở xã hội và sẽ không còn cảnh người không có nhu cầu nhưng vẫn mua để đầu cơ, mua bán sang tay, mua đi bán lại.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết của việc có những quy định mang tính chất dẫn dắt, định hướng, bảo đảm vai trò của Nhà nước đối với thị trường bất động sản. Đại biểu Lê Thanh Vân dẫn chứng thực tế có những thời điểm khủng hoảng liên quan đến thị trường bất động sản có phần nguyên do sự dẫn dắt của Nhà nước chưa rõ ràng.
Đại biểu cho biết, thị trường bất động sản hiện nay sa vào phân khúc cao cấp bởi lợi nhuận thu được của nhà đầu tư, nhà phân phối và đầu cơ cá nhân lớn khiến giá bất động sản lên cao. Thị trường phát triển quá nóng, mật độ nhà cao cấp nhiều trong khi số lượng người thực sự cần không nhiều. Mặt khác giá trị tài sản lại lớn, dòng tiền của xã hội đổ nhiều vào đây. Trong khi đó nhà ở bình dân, nhà cho công nhân, người có thu nhập thấp nhu cầu rất cao thì lại không được đầu tư nhiều. Như vậy ở đây thiếu sự điều tiết của chính sách vĩ mô.
Các đại biểu cho rằng việc đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh là điều kiện quan trọng để vận hành thông suốt thị trường liên quan như vốn, tín dụng, tiền tệ. Do vậy, đề nghị dự thảo bổ sung cơ chế đồng bộ hệ thống thông tin bất động sản với thông tin đất đai, phát triển đô thị; phát triển thị trường phải tính đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, cân đối cung cầu và tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ; tăng cường không dùng tiền mặt trong giao dịch địa ốc./.