PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, đối với quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý Trung tâm y tế huyện và quy định tại khoản 9 Điều 2, đại biểu phản ánh khi các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh xem chương trình truyền hình trực tiếp về dự thảo nghị quyết này, đa số các đồng chí rất hài lòng, rất đồng tình và phấn khởi. Đại biểu xin nêu những lý do.
Đại biểu phản ánh, nhiều năm nay thì Ủy ban nhân dân cấp huyện đã gặp rất nhiều khó khăn với mô hình quản lý của ngành y tế hiện nay trong việc huy động lực lượng chống dịch hoặc khi có một vụ việc về vi phạm an toàn thực phẩm gây ra. Thực tế, khi xảy ra dịch bệnh hoặc sự việc về vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần huy động nhanh người và phương tiện y tế để xử lý tình huống thì Ủy ban nhân dân cấp huyện không thể điều động đội ngũ nhân viên y tế ở Trung tâm y tế huyện mà phải báo cáo để Sở Y tế chỉ đạo, gây chậm trễ trong xử lý ban đầu và trong suốt quá trình xử lý Ủy ban nhân dân huyện cũng không được trực tiếp chỉ đạo nên rất khó trong việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân ở địa phương.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết này của Quốc hội sẽ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong vận hành bộ máy, quản lý, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và những vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại biểu cho rằng khoản 9 Điều 2 của dự thảo nghị quyết này rất hợp lý, phù hợp với tình hình ở địa phương hiện nay. Báo cáo với Quốc hội như thế.
Tại khoản 3 Điều 2 dự thảo nghị quyết có nêu là khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đại biểu, thực hiện các nhiệm vụ này sẽ là một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và rất nhiều người, thủ tục pháp lý không đơn giản. Ví dụ như việc thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm COVID-19 rất vướng mắc, như ở cấp xã nhiều cán bộ y tế đã tham gia xét nghiệm ngay từ những ngày đầu dịch xảy ra, sau đó mới có quy định hướng dẫn thanh toán, trong đó yêu cầu hồ sơ phân công lịch trực, danh sách người tham gia, thời gian tham gia, danh sách người được xét nghiệm có chữ ký. Cho nên đến khi Đoàn đại biểu Quốc hội đi giám sát thì đội ngũ này vẫn chưa được thanh toán vì hồ sơ không đầy đủ, trong khi đánh giá của chúng ta ở Điều 2 khoản 1 điểm a, khổ thứ hai của dự thảo nghị quyết đã xác định tại điểm 7: "Huy động hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch". Như vậy, chúng ta đã ghi nhận các nhân viên y tế tuyến cơ sở có tham gia trực tiếp chống dịch.
Vì vậy, đại biểu đề nghị thủ tục thanh toán cho đội ngũ này phải đơn giản hơn quy định hiện nay để họ sớm nhận được chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Vì thế, đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định: "Đơn giản hóa thủ tục thanh toán cho lực lượng tham gia xét nghiệm COVID-19 ở cơ sở".
Đối với khoản 6 Điều 2 quy định: "Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp". Đại biểu thấy Nghị quyết 27 ra đời đã được 5 năm mà chúng ta chưa cải cách được chính sách tiền lương và riêng đối với cán bộ y tế hiện nay là hết sức cấp bách. Tiền lương là một yếu tố để giữ chân đội ngũ cán bộ y tế ở lại khu vực công.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần khẳng định trong Nghị quyết một thời hạn cụ thể từ 6 tháng đến 1 năm phải quy định được về tiền lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu như dự thảo nghị quyết đã đưa ra. Quy định một thời hạn cụ thể về cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ cho nhân viên y tế vừa là minh bạch chính sách, vừa động viên, khích lệ đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác ở lại khu vực công, vừa là thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương. Nếu việc cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công chưa thể làm tổng thể được thì đại biểu đề nghị làm trước và làm xong trước cho ngành y tế để thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và cũng là ghi nhận sự đóng góp to lớn của ngành y tế đối với sức khỏe và cuộc sống của Nhân dân.