CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG VỀ NỘI DUNG, HẬU CẦN, TRUYỀN THÔNG HỘI THẢO VĂN HÓA 2022
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: KỲ VỌNG XUNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỪ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhóm giải pháp và 107 nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung “thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Đây là hội thảo quan trọng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội, đại diện Đại sứ quán một số nước và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện một số đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về văn hóa, cơ sở văn hóa nghệ thuật, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế…
Quan tâm tới sự kiện quan trọng này, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng, hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa….
Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đang đến rất gần. Đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung chủ đề của hội thảo đặt trong bối cảnh phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Chủ đề của Hội thảo phản ánh rất rõ nét 3 nội dung cốt lõi đang đặt ra cho đất nước. Đây là 3 trụ cột đặc biệt quan trọng để chấn hưng văn hóa dân tộc trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và trước sự phát triển chưa từng có của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ là một đóng góp hết sức quan trọng trong tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần đưa văn hóa Việt Nam tiếp tục kiên cường, vững vàng vươn lên đồng hành cùng đất nước, hình thành những giá trị mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giao lưu, quảng bá, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa của dân tộc và đóng góp tích cực vào việc xây dựng những giá trị văn hóa nhân loại.
Phóng viên: Theo đại biểu, chúng ta cần có những giải pháp nào để xây dựng nền công nghiệp văn hoá hội nhập với thế giới?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em, nền văn hóa Việt Nam là sự kết tinh thống nhất bởi những giá trị đặc sắc được luyện rèn, hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của đất nước, thấm đẫm tinh thần, bản lĩnh và ý chí của dân tộc, một nền văn hóa đậm đà bản sắc nhưng hết sức đa dạng, phong phú và độc đáo bởi những nét riêng có của từng dân tộc và từng vùng miền. Đây là nguồn tài nguyên phi vật thể vô giá, đặc biệt trân quý mà biết bao đời nay cha ông ta đã gây dựng, vun đắp, nuôi dưỡng và truyền lại cho các thế hệ mai sau, là mạch nguồn bất tận nuôi dưỡng hồn cốt, linh khí của dân tộc; hòa quyện, thấm sâu vào tâm hồn, trí óc, huyết quản của mỗi người con đất Việt.
Tiềm năng và lợi thế của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam là vô cùng to lớn. Phát triển và khai thác tốt, các công nghiệp văn hóa có thể mang lại những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa của đất nước, gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hoá. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thấy thời gian qua một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã có những tăng trưởng tích cực, như Điện ảnh năm 2019 đạt hơn 4000 tỉ đồng (tương đương gần 174 triệu USD), vượt 16% so với mục tiêu 150 triệu USD đề ra tại Chiến lược; Du lịch văn hóa năm 2018 đạt hơn 620.000 tỉ đồng (đóng góp 8,39% GDP), năm 2019 đạt 720.000 tỉ đồng; Quảng cáo năm 2019 đạt tổng doanh thu trên 65.400 tỉ đồng.
Tuy đạt được một số thành tựu bước đầu khả quan, song “Công nghiệp văn hóa” ở Việt Nam vẫn còn là mới so với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng mừng là thời gian gần đây nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương về công nghiệp văn hóa đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đều được đưa vào nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường bảo hộ quyền tác giả, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng ưu đãi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu đãi đối với các sản phẩm văn hóa khi sản xuất, lưu thông trên thị trường, nhất là xuất khẩu ra thị trường quốc tế; chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo của các văn, nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa.
Đồng thời, chú trọng phát triển và làm sâu sắc hơn nội hàm của mối quan hệ Nhà nước – Văn nghệ sĩ – Doanh nghiệp – Nhân dân để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa. Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về 12 ngành công nghiệp văn hóa trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm cụ thể hóa sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có khả năng cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, cần tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, nòng cốt mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cao để làm tiền đề phát triển ngành công nghiệp văn hóa, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa, trong đó nên chú trọng khai thác, phát huy kho tàng ẩm thực đặc biệt phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam với các nước, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, tích cực đóng góp vào việc hình thành, củng cố và hoàn thiện các giá trị văn hóa mới của nhân loại.
Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức với quy mô lớn trực tiếp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đại biểu có kỳ vọng gì ở Hội thảo sắp tới?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” trong bối cảnh hiện nay là vô cùng thiết thực.
Hội thảo sẽ là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Thông qua hội thảo cũng sẽ góp phần đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra.
Đặc biệt, qua tham luận/thảo luận tại hội thảo kỳ vọng sẽ có nhiều đề xuất, kiến nghị sát thực nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!