ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Có quan điểm trong thảo luận cho rằng phục vụ công cũng như phục vụ tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội là được. Theo nhận thức của tôi thì việc trả lương của các công chức cần phải cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi vì sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, hoạch định chiến lược và để quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển. Ông cha mình nói "một người lo bằng một kho người làm", cho nên cần phải giữ những lực lượng tinh hoa nhất, lực lượng tinh túy nhất trong bộ máy của Nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ Nhân dân tốt hơn.”
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: “Chính phủ xác định về sắp xếp tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành là một nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội. Trong đó có việc rà soát lại các nhiệm vụ, chức năng của các bộ, ngành Trung ương, tránh chồng chéo, một vấn đề thì một bộ làm, có sự phối hợp với các bộ khác. Để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy hết sức tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng, kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng được đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian cũng như là giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành trung ương. Đến thời điểm này Chính phủ đã ban hành 15 Nghị định liên quan đến các bộ. Còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới đây. Dự kiến con số có thể sẽ giảm là 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ, đó là con số sau khi rà soát lại cơ cấu, tổ chức bộ máy của các bộ.”
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được" là một trong những giải pháp truyền thống, xuyên suốt của ngành thanh tra.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: “Trong thời gian qua còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán. Nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.”
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: “Cử tri cho rằng hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh, v.v.. Hiện tượng này được nhận định là "tham nhũng vặt", đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Nguyên nhân chính từ bản chất của mối quan hệ này là khép kín, có lúc là do nhũng nhiễu, nhưng cũng có trường hợp là do chủ động tiếp cận để được ưu tiên xử lý hoặc che giấu, hợp thức hóa sai phạm để đôi bên cùng có lợi.”
Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: “Hiện còn đến 40-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ. Vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên, chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát.”
Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: “Trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9/2022 thì toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra mà gọi là kiểm tra. Hoạt động kiểm tra hiện nay không có quy định điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn tới nguy cơ bị lạm dụng cao. Vì vậy có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về kiểm tra vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) để đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”
Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Số lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã tổ chức thanh tra 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. Không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, mà nó còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của ngành thanh tra. Do đó, tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cũng phải quan tâm, có giải pháp khắc phục để làm sao nâng cao được chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với kết luận thanh tra phải đảm bảo được thời gian và yêu cầu đã đề ra.”
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: “Nhiều đoàn thanh tra tiến hành ở một địa phương là thực tiễn đã xảy ra. Nhưng ngoài cơ quan thanh tra, kiểm toán còn có kiểm tra, điều tra, truy tố, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra địa phương…Thực tế, Thanh tra Chính phủ làm một năm chỉ được 15 đến 16 cuộc thanh tra, gồm cả thanh tra đột xuất, cũng không phải là nhiều. Quan trọng nhất ở đây là thanh tra bộ, ngành xuống các địa phương và thanh tra địa phương. Rất mong thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước của cơ quan thanh tra lưu ý.
Thủ trưởng cơ quan quyết định về định hướng chương trình thanh tra hằng năm cố gắng lưu ý khắc phục, hạn chế số lượng đoàn thanh tra để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, có dư luận nhiều, tham nhũng, tiêu cực. Không vì số lượng mà vì chất lượng.”
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: “Tôi cho rằng nguyên nhân căn bản khiến các kết luận thanh tra chậm trễ, thậm chí là quá hạn là do phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra chưa khoa học…Tôi cho rằng, phải phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra thì chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm, trưởng đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan thanh tra và trước pháp luật.”
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: “Hiện nay một số kết luận còn chậm nhưng so với những năm trước đã có tiến bộ hơn nhiều. Đây là tồn tại đã lâu chưa khắc phục được. Ở đây có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó khi thực hiện cuộc thanh tra là tham vọng quá lớn, phạm vi, đối tượng và nội dung thanh tra quá rộng. Do đó khi thực hiện là quá sức để có thể đáp ứng yêu cầu của lực lượng của đoàn thanh tra nên phải tách lẻ làm mấy kết luận thanh tra. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị các đồng chí cần tiếp thu trong thời gian tới để chúng ta đẩy mạnh công tác thanh tra, thực hiện tốt hơn tiến độ kết luận thanh tra để đáp ứng được yêu cầu."