Sáng 22/10, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ
Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng đảm bảo để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ. “Tôi gọi đó là nhiệm vụ chính trị của cán bộ, công chức, viên chức” - Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, việc đưa nội dung về điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý; tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong đó, số lượng công chức, viên chức chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.
Cũng theo đại biểu, số lượng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc trọng tâm, trọng điểm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đặc biệt là những nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất của các địa phương, ….
đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Về nguyên nhân, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch Covid -19 đã tác động trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, chi phối, tác động đến cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, giáo dục.
Theo đại biểu, giải pháp được đưa ra là cần tập trung quan tâm, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, cần phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, công tác sử dụng và công tác quản lý. Phải nhìn nhận một cách khách quan và công tâm về vấn đề này để thay đổi một cách toàn diện đặc biệt là vấn đề tuyển dụng đối với công chức, nhất là đối với hệ thống viên chức đang thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích trong bối cảnh của cơ chế thị trường. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, xây dựng môi trường thân thiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc.
Đại biểu Phạm Thanh Trà cũng chia sẻ thêm, trên thế giới tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc cũng rất phổ biến, ví dụ như Pháp; Singapore,… Mặc dù là những quốc gia có nền công vụ rất tốt thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc vẫn chiếm tỷ lệ cao. Do đó, cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư; xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo được sự cạnh tranh rõ ràng, công bằng giữa khu vực công, khu vực tư, để giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao;…
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với những nguyên nhân, giải pháp do đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nêu. Đại biểu đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Nội vụ đã vào cuộc giải quyết câu chuyện biên chế cho ngành giáo dục cũng như ngành y tế và vấn đề chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức. “Với sự quyết liệt của Bộ Nội vụ sẽ từng bước giải quyết được những vấn đề đặt ra…”, Đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ tin tưởng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nêu vấn đề, hiện nay xu hướng dịch chuyển nhân lực từ khu vực này sang khu vực khác, đó là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị tường thì tiêu chí đặt ra ở đây là vấn đề môi trường làm việc, thu nhập. Đại biểu lưu ý, nên nhìn thấy việc cạnh tranh để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các khu vực.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực trạng, đội ngũ giáo viên thiếu đang là thách thức đối với ngành giáo dục, đặc biệt là tình trạng thừa, thiếu cục bộ. “Thời gian gần đây, bên cạnh thiếu giáo viên do tinh giản biên chế, ngành giáo dục đang phải đối mặt với một câu chuyện khác, đó là tỷ lệ giáo viên nghỉ việc chuyển việc tăng nhiều, thậm chí là số lượng này đang chiếm số lượng chính trong trong tổng nghỉ việc chuyển việc chung chung của Nhà nước,…” đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.
Lo ngại về nguồn để tuyển bổ sung rất hiếm và có thể nói là không đáp ứng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần có những giải pháp tức thì, có thể bằng Nghi quyết của Quốc hội hoặc là giải pháp khác để tuyển dụng ngay những giáo viên dưới chuẩn nhưng với một cam kết trong thời gian lộ trình từ nay đến năm 2030 phải bổ sung đầy đủ trình độ, đúng chuẩn.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Thảo luận tại Tổ 6, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023 với các lý do: Một là, sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống; Hai là, hiện nay lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay; Ba là, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào 1/7/2019 nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào 1/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ thì phải sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8% . Trong khi đó các chỉ số tiêu dùng tăng qua các năm bình quân là 11,8%;…
Đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, theo thống kê đã có gần 40. 000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống. Vì vậy, đại biểu cho rằng để kéo dãn chênh lệch mức lương giữa khu vực công và tư, góp phần ngăn chặn sự dịch chuyển này cần quan tâm kịp thời đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có việc điều chỉnh lương cơ sở./.