Sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội phản ánh được sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc thực hiện, đồng thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật liên quan đến việc tổ chức kỳ họp Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướngquy định đầy đủ quy trình, thủ tục một cách chặt chẽ, khoa học, hợp lý; những quy trình, thủ tục đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định cụ thể mà chỉ dẫn chiếu đến quy định của Luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; đồng thời, nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực hiện hiệu quả tại các kỳ họp; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp, tạo thuận lợi để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
So với Nội quy Kỳ họp hiện hành, dự thảo Nội quy sửa đổi bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường, về hình thức làm việc trực tuyến, trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham dự kỳ họp; trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội biểu quyết trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết…Dự thảo Nội quy sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp theo hướng tiếp tục áp dụng đổi mới, cải tiến về tài liệu kỳ họp đã được triển khai hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo đó tờ trình, báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết được gửi tới đại biểu Quốc hội bằng hình thức văn bản điện tử, có quy định việc công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, Nội quy kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đối với quy định tại Điều 1 về kỳ họp Quốc hội, ở khoản 2, 3 về kỳ họp bất thường, đại biểu cho rằng quy định này đã cụ thể hóa Chương V về kỳ họp Quốc hội của Luật Tổ chức Quốc hội. Về bản chất, Quốc hội họp thường lệ hay bất thường đều phải tuân thủ đầy đủ nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội theo luật định và được thực hiện theo một quy trình thống nhất chung. Vì vậy, cần cân nhắc ở khoản 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường. Đại biểu cho rằng, với kỳ họp thường kỳ, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền triệu tập và quyết định việc tổ chức, do vậy, không nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hướng dẫn riêng về kỳ họp bất thường, mà công việc này phải do Quốc hội quyết định mới đúng thẩm quyền và thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, phù hợp với các khoản, điều trong dự thảo nghị quyết.
Đối với việc bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 42 đã nêu khá cụ thể, trình tự các bước bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và kết thúc bởi khoản 2 là Chủ tọa phiên họp hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phê chuẩn. Theo đại biểu, kết thúc việc bầu Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tại đây là chưa đủ, mà cần bổ sung thêm một nội dung, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn công bố và trao quyết định cho Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để đảm bảo sự trang trọng. Đây là công viêc đã được triển khai trong thực tế, cần đưa vào luật quy định rõ ràng, chặt chẽ.
Về đảm bảo an ninh trật tự và trang nghiêm tại các kỳ họp Quốc hội quy định tại Điều 28, đại biểu cho rằng cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung quy định tại phiên khai mạc, bế mạc Kỳ họp cần có nghi lễ chào cờ. Khi chào cờ cử Quốc ca, ngoài dàn nhạc đệm hát Quốc ca của đội Quân nhạc, cần có quy định nêu rõ đại biểu Quốc hội phải hát Quốc ca. Điều này thể hiện niềm tự hào dân tộc, tạo ra hình ảnh của đại biểu Quốc hội trước công chúng, cử tri và Nhân dân, là việc có ý nghĩa lớn lao và sâu sắc. Khi chào cờ, cử Quốc ca đại biểu phải đứng nghiêm trang. Dự thảo Nghị quyết cũng cần quy định rõ, để đảm bảo an ninh, đại biểu Quốc hội đến kỳ họp phải đeo phù hiệu đại biểu Quốc hội, không mang các vật liệu khác gây mất an ninh, vũ khí, vật liệu nổ, chất cháy, cần thắt chặt công tác kiểm tra an ninh, đảm bảo an toàn cho kỳ họp.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một điều khoản về việc bảo đảm cơ sở vật chất, ăn nghỉ, đi lại cho đại biểu trong quá trình dự kỳ họp, có các biện pháp phòng ngừa, xử lý trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, bảo đảm an toàn về chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng trong các kỳ họp.