Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá cao các cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đi vào một số nội dung cụ thể, đai biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo luật trong nội dung quy định về việc thành lập Thanh tra sở. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng về thẩm quyền thành lập Thanh tra sở quy định của dự thảo luật là chưa rõ ràng, khó thực hiện.
Cụ thể, khoản 2 Điều 27 trong dự thảo Luật quy định Thanh tra sở được thành lập tại một số cơ quan phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quyết định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao. Theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra các sở khác, còn thanh tra tại một số đơn vị, một số sở có phạm vi rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ thì dự thảo còn bỏ lửng, không quy định rõ cơ quan nào quyết định thành lập. Theo dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, khoản 2 đã quy định rõ là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở. Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở. Theo đó, việc thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp cũng do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của Chính phủ, nhằm đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cũng cần có điều khoản chuyển tiếp về vấn đề này, cụ thể đối với các sở không thuộc đối tượng được thành lập thanh tra hiện đang có Phòng Thanh tra hoặc thanh tra được lồng ghép ở các tổ chức khác thì xử lý như thế nào khi luật có hiệu lực. Mặt khác, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là đối với các địa phương có địa bàn có quy mô diện tích dân số lớn để quy định mức biên chế đối với các tổ chức thanh tra, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau khi có sự khác biệt về quy mô dân số và diện tích.
Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động Kiểm toán nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 52, đại biểu cho rằng không nên quy định nguyên tắc xử lý lưỡng tính như dự thảo, vì sẽ khó thực hiện trong thực tế và mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến kế hoạch thanh tra và tiến độ thanh tra của cơ quan. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định một nguyên tắc cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Tương tự về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, Cục quy định tại khoản 4 Điều 52, đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra hoặc cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra trước khi cơ quan đó tiếp tục thực hiện.
Đối với giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, cụ thể về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 97 quy định người thực hiện giám sát có quyền yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Quy định này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 95, trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định, thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, gọi chung là người thực hiện giám sát.
Theo đại biểu, quy định như vậy, trường hợp người ra quyết định thanh tra không tự mình giám sát mà thành lập tổ giám sát giao cho công chức thực hiện việc giám sát thì hầu hết quá trình giám sát là do tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện, nếu người được giao nhiệm vụ giám sát thấy có vấn đề không rõ ràng, thiếu căn cứ mà lại không có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra giải trình làm rõ thì quá trình giám sát sẽ trở nên khó khăn và hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến kết quả giám sát. Đồng thời, hiện tại khoản 2 Điều 98 về trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát dự thảo luật cũng quy định là: Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải có trách nhiệm giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người giám sát.