Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về 6 Dự án Luật: Tổng thuật nội dung hội nghị trên Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Dự thảo Nội quy (sửa đổi ) được thiết kế gồm 3 chương với 57 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Quốc hội. Quốc hội chỉ thực hiện được đầy đủ các chức năng lập hiến, lập pháp, thảo luận dân chủ và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước tại kỳ họp. Do đó, hiệu quả của kỳ họp là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Nghiên cứu dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Nam đề xuất cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung thêm một số trách nhiệm, quyền mà đại biểu được đảm bảo tại kỳ họp để giúp các đại biểu Quốc hội có đủ thông tin, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, đảm bảo các quyền của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp một cách đầy đủ, kịp thời thì đòi hỏi phải có các quy định cụ thể về thời gian các cơ quan chức năng có liên quan gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu, tại Điều 9, Nội quy kỳ họp hiện hành chưa quy định cụ thể về thời gian gửi tài liệu do vậy dẫn đến tình trạng một số cơ quan trình dự thảo luật,t đề án, dự thảo Nghị quyết chậm gửi tài liệu đến các ĐBQH theo quy định tại Điều 97, Luật Tổ chức Quốc hội. Để khắc phục tình trên dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) đã bổ sung về thời gian gửi tài liệu đến Văn phòng Quốc hội để gửi các đại biểu Quốc hội là rất hợp lý. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ quan hữu quan có liên quan phải nghiêm túc thực hiện để đảm bảo hiệu lực của pháp luật.
Từ thực tiễn hoạt động, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung hoạt động của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các Phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội tại kỳ họp.
Đối với quy định về tranh luận của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thảo luận về nội dung của kỳ họp, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và quy định rõ hơn việc tranh luận tại các phiên thảo luận theo hướng bổ sung thêm một số nội dung như: Thảo luận về nội dung gì được tranh luận; trong phiên họp thảo luận nào thì tranh luận giữa các đại biểu với đại biểu; phiên họp nào tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với thành viên của Chính phủ; quy định cụ thể về việc không lợi dung tranh luận để phát biểu ý kiến;…
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng đề xuất, nghiên cứu quy định tăng thời lượng các phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi những hoạt động tại kỳ họp.
Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là hạt nhân, là trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, việc phát huy vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân, phát huy tinh thần trách nhiệm và thực hiện hiệu quả quyền của mình theo quy định của pháp luật nói chung và tại các kỳ họp Quốc hội nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong quyết định sự thành công của một kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng bày tỏ tin tưởng, thời gian tới cùng với sự quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,… các vị đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục rèn luyện, trau dồi kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tại các kỳ họp Quốc hội theo luật định, xứng đáng với sự tin tưởng, giao phó của cử tri, Nhân dân và xứng đáng với công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.