Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm thống nhất việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu cũng thống nhất với quan điểm Ban soạn thảo xác định vị trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở như thể hiện tại Điều 3 và nhiều quy định cụ thể khác, rằng đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn làm nòng cốt, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hoạt động trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, có chức năng quan trọng trong xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn dân cư.
Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh các quy định thể hiện tại Chương II, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục thể hiện các nội dung, xác định rõ trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong thực thi vai trò hạt nhân, chủ động, nòng cốt trong phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng mô hình tự quản, trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự.
Quy định rõ hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của lực lượng này trong công tác phát động nhân dân, trong công tác xây dựng cơ sở vững mạnh, như quan điểm khi xây dựng dự án luật.
Xác định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức quần chúng ở cơ sở trong phối hợp với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, làm nòng cốt triển khai các hoạt động tự quản hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân đã thể hiện một cách tổng quát tại Điều 9, Điều 12 và Điều 31 dự thảo luật.
Theo đại biểu Tạ Minh Tâm, với cơ chế xây dựng lực lượng như thể hiện trong dự thảo luật là bình đẳng, công khai, dân chủ; thành viên tổ an ninh, trật tự, tổ trưởng, tổ phó bảo vệ viên được tuyển chọn chặt chẽ do công an xã chủ trì, phối hợp bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn tổ chức họp thôn để giới thiệu nhân dân bầu. Do đó theo đại biểu, nếu thực hiện tốt, cơ chế này rất thuận lợi để lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu, uy tín, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư.
Để có cơ sở tiếp tục tham gia đóng góp, hoàn thiện dự án luật, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm chính sách hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các chế độ khác một cách tổng thể, đồng thời đánh giá khả năng thực thi, yêu cầu bố trí ngân sách địa phương, như thể hiện trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ giải pháp thu hút và xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại địa bàn đô thị, khi mà những khó khăn đã bộc lộ là khó xây dựng lực lượng thành viên bảo vệ dân phố, dân phòng, nhiều nơi mang tính hình thức, không bảo đảm số lượng. Có trường hợp không có mặt tại nơi cư trú, bảo vệ dân phố có độ tuổi khá cao. Người hưởng chế độ hưu trí, v.v. như đã thể hiện trong báo cáo 234 của Bộ Công an tổng kết thi hành.
Đại biểu Tạ Minh Tâm cũng cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ thêm lộ trình sắp xếp, xây dựng lực lượng, vừa bảo đảm tính quần chúng tự nguyện, vừa phù hợp với hoạt động lao động, tham gia hoạt động kinh tế của thành viên trong mối quan hệ yêu cầu cao về tính chuyên môn, chuyên nghiệp, kỹ năng, kỷ luật khi tham gia trực diện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bắt người phạm tội, người đang bị truy nã.
Cuối cùng, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự khác biệt giữa quy định tuyển chọn người tham gia lực lượng, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, thể hiện tại khoản 2b Điều 3, dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành luật và nội dung thể hiện tại Điều 5, Điều 6, Điều 16 của dự thảo luật, gửi kèm hồ sơ dự án luật.