Nhiều hệ lụy từ vay tiền qua App
Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “cho vay tiền online”, trong vài giây sẽ tìm thấy hàng triệu kết quả, nổi bật với những lời mời chào hỗ trợ tín dụng hấp dẫn. Điều này cho thấy việc vay tiền trên mạng đã là một nhu cầu của nhiều người. Nhu cầu có và gia tăng, các dịch vụ vay tiền, đặc biệt là các hình thức vay tiền trên mạng cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Người dân dễ dàng vay được tiền với thủ tục vô cùng đơn giản và nhanh gọn.
Tuy nhiên, các App vay tiền trực tuyến chính là hình thức biến tướng của tín dụng đen với mức lãi suất được đội lốt là các loại phí để lách luật. Đặc biệt là cách đòi nợ của các App này thì cũng muôn hình vạn trạng và mang tính chất khủng bố tinh thần. Theo Ts. Cao Sỹ Khiêm, chuyên gia kinh tế thì: “Đây là loại hình mới, cho vay ngang hàng không qua tổ chức trung gian, thủ tục nhanh gọn. Nhưng chính vì thủ tục nhanh gọn nên cũng chứa đựng nhiều yếu tố lừa đảo nếu không được quản lý chặt chẽ,....”
Ts. Cao Sỹ Khiêm, chuyên gia kinh tế
Một người sử dụng hình thức vay tiền qua App cho biết, “công việc và các mối quan hệ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ọi danh bạ không được họ sẽ ghép ảnh tôi với những hình gái mại dâm, sau đó ghi dòng chữ là nhận đi khách hay bán dâm để đưa lên các web sex. Không chỉ vậy, họ còn gọi điện cho những người danh bạ điện thoại của tôi để làm phiền,…”
Tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ của nhân viên các app vay tiền online không chỉ tra tấn tinh thần người vay mà còn cả gia đình, người thân của họ. Về bản chất, hình thức cho vay tiền qua ứng dụng online là biến tướng mới của tín dụng đen. Chúng ta cần phải lên án và có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen qua App này.
Để vay được số tiền vài triệu đồng, người vay buộc phải đồng ý cho các ứng dụng vay tiền truy cập danh bạ, lịch sử cuộc gọi, truy cập Facebook, định vị GPS, tài khoản IP. Tất cả những thông tin này là cơ sở đảm bảo để khách hàng được vay. Vì thế, khi bên vay chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin khủng bố. Hình ảnh cá nhân bị đưa lên mạng xã hội với những lời bịa đặt, vu khống. Có những người chỉ cần trả chậm vài giờ là toàn bộ bạn bè, người thân đều nhận được cuộc gọi đe dọa.
Một nạn nhân bị ảnh hưởng bởi người vay tiền qua App chia sẻ, “ … Tôi giải thích với bọn họ là có làm phiền tôi thì cũng không có ích gì, bởi vì tôi không có liên quan gì với đối tượng vay tiền cả. Thế nhưng, tôi nói thì họ không nghe và họ tiếp tục nhắn tin tiếp. Tôi không vay gì cả, nhưng mà đang yên đang lành, tự nhiên tôi lại bị trở thành đối tượng đồng lõa. Khi đấy uy tín của tôi bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. … ”
Nhiều người phải chịu lãi suất cao khi vay qua App
Thiếu khung pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay trực tuyến
Tại Việt Nam, có khoảng 40 công ty tài chính có hoạt động cho vay ngang hàng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của hình thức cho vay ngang hàng, ngay từ ngày 8/7/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn số 5228 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ mô hình cho vay ngang hàng gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro phát sinh khác từ cho vay ngang hàng trong bối cảnh pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này. “Hiện nay hình thức cho vay qua App rất là phổ biến, ở Việt Nam cũng đã hình thành loại hình kinh doanh mới này. Tuy nhiên, khung pháp lý của chúng ta còn thiếu trong điều chỉnh các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này,....” Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế .
Do hiện nay, chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về loại hình kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng, chưa có đơn vị kiểm duyệt các nền tảng trực tuyến của hoạt động cho vay ngang hàng khiến một số công ty lợi dụng "kẽ hở" này để vận hành mô hình cho vay ngang hàng, nhưng thực tế là cho vay nặng lãi trá hình.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, để hạn chế những rủi ro đối với hình thức cho vay tiền trên mạng cần phải kiểm soát tốt những ứng dụng cho vay tiền. Cần minh bạch hóa cơ chế hoạt động, tính lãi của các ứng dụng để người vay tiền có thể sử dụng các ứng dụng vay tiền và nhìn rõ phần lợi ích cũng như trách nhiệm chi trả của mình. Bên cạnh dó, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý phù hợp để quản lý và kiểm soát chặt chẽ loại hình cho vay này. “Hiện Ngân hàng nhà nước cũng đang đề xuất thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng trình Chính phủ, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng,.. Nếu sớm hoàn thiện sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay.” Ts. Cao Sỹ Khiêm, chuyên gia kinh tế cho biết.
Tuy nhiên, trước khi có những chính sách rõ ràng, chặt chẽ hơn về các hình thức vay tiền trên mạng, người có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu kỹ về những rủi ro của các hình thức lừa đảo trên mạng. Tất cả các ứng dụng, các hình thức vay tiền có thủ tục cho vay càng đơn giản, càng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính. Theo ông Phùng Văn Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “”Người dân cũng cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin và hết sức cảnh giác với hình thức cho vay này. Vì tình trạng có thể đối tượng cho vay chưa vượt quá 20% như ngân hàng quy định nhưng sau đó nếu mà chậm trả thì với những mức phạt rất là nặng, dẫn tới khả năng người vay không thể có khả năng trả thì đây là hình thức trá hình. Vì vậy, cần có thông báo, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, nắm được những hình thức này đồng thời khi gặp phải trường hợp này cần kịp thời tố cáo đến cơ quan chức năng.”
Triển khai nhiều giải pháp quản lý
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty tại Tp. HCM và Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty cho vay ngang hàng cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo, thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Tuy mới được triển khai từ năm 2016 trở lại đây, nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và tổng phí dịch vụ thu được.
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành đúng quy định của pháp luật. Trước thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động này, cụ thể:
. Phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp truyền thông như: Khuyến cao người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này;…
Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Siết chặt quản lý đối với hoạt động cho vay trực tuyến
Trước sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng cùng như hệ lụy nếu không được kiểm soát chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động này. Vậy, những giải pháp do Ngân hàng Nhà nước triển khai cần được nhìn nhận như thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ cần chú trọng đẩy mạnh triển khai để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của hình thức cho vay trên nền tảng trực tuyến? Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống về vấn đề này:
Ông Bùi Xuân Thống, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:
Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về loại hình cho vay này?
Ông Bùi Xuân Thống, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Hoạt động cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính. Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.
Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, việc phát triển nhanh chóng các hình thức cho vay qua các nền tảng trực tuyến sẽ gây ra những hậu quả như thế nào nếu không được quản lý tốt?
Ông Bùi Xuân Thống, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Rủi ro từ việc vay tiền trên mạng cũng ngày càng trở nên phổ biến, bởi chính các thủ tục vay quá “nhanh chóng và đơn giản” của hình thức vay tiền trên mạng tồn tại nhiều yếu tố lừa đảo trong đảo. Không ít ứng dụng vay tiền đang sử dụng các chiêu trò tinh vi, để lại nhiều hệ lụy. Quảng cáo bằng những lời có cánh và đòi tiền bằng thủ đoạn bạo lực. Tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ của nhân viên các App vay tiền online không chỉ tra tấn tinh thần người vay mà còn cả gia đình, người thân của họ. Hình thức cho vay tiền qua ứng dụng online dường như là biến tướng mới của tín dụng đen.
Phóng viên: Theo đại biểu, những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước nêu ra có giải quyết căn bản vấn đề đại biểu nêu??
Ông Bùi Xuân Thống, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tại văn bản trả lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu lên một số giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường kiểm soát; nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền; đưa ra khuyến cáo đối với người dân….nhằm kịp thời chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ hình thức cho vay trực tuyến. Tôi cho rằng, trong những giải pháp nêu ra thì việc thử nghiệm hoạt dộng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là cần thiết và cần phải đẩy nhanh thực hiện.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất giải pháp gì để quản lý các hình thức cho vay qua các nền tảng trực tuyến hiệu quả hơn?
Ông Bùi Xuân Thống, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tôi cho rằng gốc rễ trong vấn đề này là cần thiết phải sớm hoàn thiện và ban hành khung pháp lý rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp đáp ứng được các nhu cầu của người dân. Đồng thời, cũng các có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chính người dân cũng cần phải tỉnh táo và cảnh giác để tránh sa bẫy trước các hình thức “cho vay nặng lãi” thế hệ mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Cơ bản đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho rằng: hiện nay tồn tại nhiều App cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này. Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ là cơ sở quan trọng và tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận cũng như tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua app. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, đảm bảo tính răn đe. Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia hình thức vay trực tuyến./.