Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 1f6667a1-798b-90f0-dd35-d0e35a40150f.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: BÁO ĐỘNG NGUY CƠ MẤT AN TOÀN HỒ ĐẬP MÙA MƯA BÃO

02/05/2019

Hiện cả nước có khoảng 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, nhưng có tới 1.200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều hồ không có trạm quan trắc cảnh báo an toàn. Một số đại biểu quốc hội cho rằng, những bài học từ các sự cố hồ chứa chưa bao giờ hết tính thời sự, trong khi đó một mùa mưa lũ nữa đang đến gần thì nỗi lo mất nhà, mất tài sản và thậm chí tính mạng của người dân vùng hạ du cũng đang hiển hiện...

Tiềm ẩn những "quả bom" nước

Còn nhớ cách đây không lâu, ống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, 228 triệu mét khối nước đã cuốn trôi hoa màu, nhà cửa của hàng trăm hộ dân sống dọc sông Bung, đoạn qua huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 cũng như các hồ đập ở nhiều địa phương chưa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những hồ đập thủy lợi, thủy điện như những “quả bom nước” có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn tính mạng của hàng triệu hộ dân sinh sống tại vùng hạ du. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 7 nghìn hồ thủy lợi, hồ thủy điện đang hoạt động, được phân bố tại 45/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đánh giá hiện trạng công trình hồ, đập của Tổng Cục Thủy lợi, vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định…

Sự cố vỡ ống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 gây ngập lụt tại vùng hạ du

Từ năm 2008 đến nay đã xảy ra 50 sự cố về đập, hồ chứa. Cụ thể, năm 2010 với 5 hồ, năm 2011 có 5 hồ, năm 2012 có 2 hồ, năm 2013 có 10 hồ… Riêng năm 2017 do ảnh hưởng của liên tiếp những trận mưa lớn đã xảy ra sự cố vỡ, sạt lở nặng có nguy cơ vỡ ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ.

Hồ thủy lợi, thủy điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong tích nước chống hạn, cắt lũ, bảo đảm an toàn vùng hạ du… nhưng đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa nếu đồng loạt xảy ra sự cố. Thanh Hóa là địa phương có số lượng hồ đập lớn thứ hai cả nước nhưng hiện có 610 hồ đập, trong đó có tới 80% hồ đập đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không có khả năng phòng lũ, được đắp thô sơ từ hàng chục năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, phân tích: Nước ta có hàng nghìn hồ đập lớn nhỏ, có những hồ đập được xây dựng từ rất lâu, cần được đánh giá lại toàn bộ về độ an toàn của các hồ đập hiện nay. Trước đây, các đập chủ yếu xây bằng đất sét, qua thời gian có những đập xây cách đây hơn 30 năm thậm chí lâu hơn nữa, nay đã xuống cấp. Do vậy, cần đánh giá mức độ an toàn để kịp thời có những biện pháp kỹ thuật, công nghệ xử lý, đặc biệt có kế hoạch ứng phó khi sự cố xảy ra. Đặc biệt, cần thông báo cho bà con vùng hạ du biết để có phương án phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.   

Tình trạng xuống cấp của các hồ chứa chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 70 đập đất trong tình trạng thấm và 80 đập bị biến dạng mái đập; 188 hồ tràn xả lũ bị hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng hạ lưu tràn ở các mức độ khác nhau.

Sống dưới chân các hồ đập cũ được người ta ví giống như sống dưới những quả bom nước khổng lồ, với đầy sự bất an. Một sự cố dù rất nhỏ cũng có thể gây ra một thảm họa rất lớn đến vùng hạ du. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan thì điều gì cũng có thể xảy ra, nên việc gia cố, sửa chữa, nâng cấp các hồ đập cũ là việc làm cấp bách trong khi mùa mưa bão đang đến gần.

Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập cũng là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, và sự cố vỡ đập ở Lào chính là hồi chuông cảnh tỉnh để cơ quan chức năng của Việt Nam, bởi đập thủy điện này được xây dựng trên lưu vực sông Mêkong. Tháng 7/2018, đập thủy điện tại Dự án Xe Pian-Xe Namnoy thuộc tỉnh Attapeu của Lào bất ngờ bị vỡ. Hơn 5 tỉ mét khối nước đổ ập xuống và cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà và tính mạng người dân ở phía nam huyện Sanamsay. Cuộc sống của hàng nghìn nhân khẩu bỗng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào là bài học cho cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác quản lý, vận hành an toàn hồ đập

Việt Nam có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, quy mô từ hàng ngàn đến nhiều tỷ mét khối nước. Qua bài học ở Lào cho thấy, Việt Nam cần phải có những kịch bản lớn hơn và cụ thể hơn khi xảy ra sự cố, đặc biệt vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại, liên quan trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân sống ở vùng hạ du.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Hồ chứa nước luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước. Tuy nhiên, ngành chức năng cần có phương án quản lý, sử dụng, duy tu, sửa chữa và vận hành các hồ đập ra sao để vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh thiệt hại có thể xảy ra đối với người dân vùng hạ du như thế nào? Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, bài học vỡ hồ, vỡ đập và những hệ lụy trong quản lý, vận hành các hồ thủy điện, hồ chứa ở Việt Nam vẫn là vấn đề được cử tri quan tâm. Theo đại biểu, công tác quản lý an toàn hồ đập ở nước ta cần được quan tâm như thế nào?

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Sau sự cố vỡ ống dẫn dòng của Thủy điện Sông Bung 2, xảy ra sau cơn bão số 4, cử tri của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung rất quan tâm tới những sự cố khác ở các thủy điện trong cả nước. Đặc biệt, khu vực miền Trung và Tây nguyên – nơi có nhiều thủy điện cần làm tốt tất cả các khâu của các đơn vị liên quan từ việc thẩm định, thiết kế, lập dự toán thi công và vận hành, nhưng quan trọng nhất là công tác quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu đối với các đơn vị liên quan đối với công tác thẩm định và thiết kế, thi công. Tôi cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu hết sức quan trọng vì phải tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, nếu có những vấn đề và phát hiện ra những nguy cơ, mặc dù chưa xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời.

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Quốc hội Khóa XIII đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thủy điện. Phải khẳng định hệ thống các nhà máy thủy điện được xây dựng là cần thiết vì rẻ tiền, nhưng có điều cần lưu ý là có tình trạng xây dựng tràn lan, không có quy hoạch. Rõ ràng những bất cập, nguy cơ mất an toàn từ các thủy điện cần thiết phải nghiên cứu, quy hoạch và quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động nhưng phần lớn các hồ chứa vừa và nhỏ đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, đặc biệt đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay. Cử tri và đại biểu quốc hội mong muốn nhiều hơn là đảm bảo an toàn hơn nữa, đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân, đặc biệt người dân vùng hạ du tại các dự án các hồ, đập thủy điện. Tôi mong rằng các quy trình đảm bảo an toàn hồ đập cần được thể hiện mạnh mẽ trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Phóng viên: Để đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân vùng hạ du, theo đại biểu công tác sửa chữa, duy tuy, bảo dưỡng cũng như tuân thủ quy trình vận hành hồ đập cần được chú trọng như thế nào?

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Theo tôi, ngay từ giai đoạn đầu tiên khi có chủ trương đầu tư dự án thì các cơ quan chức năng phải khảo sát, đánh giá địa chất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì vị trí của các thủy điện không giống nhau và địa chất tại các thủy điện cũng không giống nhau cho nên chúng ta không thể áp dụng một quy trình thẩm định chung cho tất cả các dự án thủy điện trên cả nước. Thứ hai, việc giám sát thi công của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là hết sức quan trọng để đảm bảo thi công chặt chẽ và phải có lộ trình thử nghiệm trước khi đi vào vận hành chính thức, để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Hiện tại số lượng hồ nhỏ mà mất an toàn ở nước ta rất lớn. Chúng ta đã có số liệu và điều tra cụ thể. Với tư cách là đại biểu quốc hội và đại diện cho cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm nhiều hơn tới công tác quan trắc các hồ đập. Hiện chúng ta có hệ thống quan trắc hiện đại, đây là cơ sở để dự báo những nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra. Đồng thời tăng cường đầu tư, duy tu bảo dưỡng những công trình hồ đập hiện có để giảm nguy cơ mất an toàn. Vừa qua Quốc hội cũng quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và có điều chỉnh, trong đó dành tương đối kinh phí cho công tác duy tu công trình thủy lợi, thủy điện. Hy vọng đây là nguồn kinh phí quan trọng, cần thiết để các cơ quan, ban ngành, địa phương có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các hồ đập đang xuống cấp ở nước ta hiện nay.

Bà Bùi Thị An cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai sót trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Vì sao lại có chuyện xả lũ bất chợt, không báo trước và đã có lần xả lũ gây chết người và thiệt hại về tài sản của người dân. Tôi cho rằng, cần quy trách nhiệm cho các chủ đầu tư, không thể ngụy biện hay lý do nào mà các chủ đầu tư có thể chối bỏ, thoái thác trách nhiệm. Quy trình vận hành hồ chứa đã có và phải báo trước cho bà con khi xả lũ để người dân phòng tránh thiệt hại. Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế giám sát và xử lý các đơn vị liên quan để xảy ra sự cố về an toàn hồ đập. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có chuyện xử lý chưa nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai sót trong quản lý, vận hành hồ đập và chưa có sự đền bù chính đáng cho người dân. Bên cạnh quy trách nhiệm của chủ đầu tư thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sự cố vỡ hồ đập thủy điện, thủy lợi, để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân sống vùng hạ du hồ đập.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lan Hương