Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 552c67a1-b9bb-90f0-dd35-dd198941168b.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN TẠO - LÂM ĐỒNG: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

23/09/2018

Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở thành một trong những khâu đột phá, mũi nhọn của ngành nông nghiệp, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2017), đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ vay vốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đại biểu Nguyễn Tạo chất vấn Thủ tướng về những giải pháp hỗ trợ vay vốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngày 12/01/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công văn số 40 trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Công văn nêu rõ: Ngay sau khi ban hành Nghị quyết 30 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Quý 1 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thay thế Quyết định số 69/2010 của Thủ tướng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó sẽ cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và tăng cường phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay của chương trình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực này; đồng thời quy định lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thương mại.

Văn bản trả lời của Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng và giải pháp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2017, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017 hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm các tài sản là nhà kính, nhà lưới, hệ thống lưới… trên đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam

Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Tạo về những chuyển biến trong việc thực hiện chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kể từ khi đại biểu chất vấn đến nay:

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn bằng văn bản đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy cụ thể nội dung chất vấn của đại biểu tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Đầu 2017, tại Nghị quyết số 30 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn vốn này, tính đến hết năm 2017, các ngân hàng mới giải ngân được khoảng 40 nghìn tỷ. Sau khi đi khảo sát ở địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn. Đây là vấn đề đặt ra và tôi đã kiến nghị và chất vấn Thủ tướng.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Thủ tướng đã có văn bản trả lời, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Thủ tướng đã tiếp thu đầy đủ về những kiến nghị đại biểu nêu. Trong quá trình thực thi chính sách cũng có những tồn tại, vướng mắc trong ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khó khăn chính là tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận vốn. Tiếp cận khoa học công nghệ thì Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai tháo gỡ và đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ví dụ, chúng ta đã nhập những giống hoa, giống rau mới có năng suất, chất lượng nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Thủ tướng cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết vướng mắc về tiếp cận vốn. Đó là cải cách hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, gắn với sở hữu công trình mà người nông dân đầu tư trực tiếp trên mảnh đất đó. Đầu năm 2018, Thủ tướng cũng ban hành nghị định để triển khai. Tôi cho rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng trong việc khắc phục những chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn dành cho nông nghiệp công nghệ cao khá tích cực. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2018, với chỉ đạo quyết liệt và đầy đủ hành lang pháp lý thì chắc chắn nguồn vốn 100 nghìn tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ được giải ngân.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, các bộ, ngành được Thủ tướng giao thực hiện chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thực sự rốt ráo, quyết liệt trong triển khai thực hiện?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Kết quả giải ngân của năm 2017, đặc biệt trước kỳ họp thứ 5, qua tiếp xúc cử tri và làm việc với các cơ quan chức năng như ngành ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, thì tôi thấy rằng các ngành vào cuộc rất tích cực. Ví dụ ngành ngân hàng đã tích cực cải tiến thủ tục cho vay và thẩm định các dự án cho vay chính xác. Ngành tài nguyên và môi trường cũng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang lập các tiêu chí về nhà kính, nhà lưới làm căn cứ để ngành ngân hàng làm căn cứ cho người dân vay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu ủy ban nhân dân các cấp quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ vào; đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành trung ương cải tiến bộ thủ tục hành chính trong việc nhập giống rau và hoa. Với những giải pháp tích cực này, đầu tháng 5 vừa rồi, chúng tôi đã nhận được phản ánh từ cử tri phản ánh trực tiếp, theo đó những vướng mắc hầu như đã được giải quyết.

Phóng viên: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng và giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Để thực hiện được điều này, theo đại biểu cần có những giải pháp đột phá gì?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Tôi cho rằng, nếu chúng ta đầu tư đúng mức thì ngành nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tôi băn khoăn nguyên liệu xuất khẩu thô của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. Thời gian tới, nếu chúng ta tập trung đầu tư bài bản hơn vào công nghệ sau thu hoạch và chế biến sâu thì sẽ làm tăng giá trị và đáp ứng được thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo chất lượng và giá trị được giữ vững, thông qua giới thiệu thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, thu hút các nguồn lực trong nước, đặc biệt là thu hút các đơn vị đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, vì đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Có như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam mới phát triển bền vững hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương