Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Ngày 30/11/2016, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; trách nhiệm của Bộ trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và hướng khắc phục.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, Bộ Nội vụ có ý kiến như sau:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
- Đối với nội dung chất vấn “Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại không ít Bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định”
Ngày 17/11/2016, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 230/BNV-CCVC trả lời Đại biểu về nội dung này (có văn bản gửi kèm).
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thống kê việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức vào cuối nhiệm kỳ trước (tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2016) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1946/VPCP-TH ngày 10/9/2016. Bộ Nội vụ sẽ gửi kết quả đến Đại biểu sau khi có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với nội dung chất vấn “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và rà soát, khắc phục”
Với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2016, Bộ Nội vụ đã tiến hành 26 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các Bộ, ngành, địa phương trong đó có nội dung liên quan đến công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo (16 cuộc đối với địa phương, 10 cuộc đối với Bộ, ngành). Quá trình thanh tra, kiểm tra, một số tồn tại liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm đã được Bộ Nội vụ phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh và có biện pháp để thực hiện đúng quy định; kiểm điểm xác định trách nhiệm để xử lý đối với người vi phạm.
Tuy nhiên, do số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế trong khi số lượng các Bộ, ngành, địa phương lớn nên kết quả chưa đạt như mong đợi.
Bênh cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng (Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Chương trình hành động để triển khai Chỉ thị này) và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong đó, quán triệt việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý công chức, viên chức, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm.
Trong thời gian tới, theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ; bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong công tác cán bộ. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng các yêu cầu đổi mói công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI và Khóa XII như Trung ương Đảng đã đặt ra. Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác cán bộ tại các Bộ, ngành, địa phương.
Toàn bộ nội dung văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.