Ngày 30/11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về giải pháp của Bộ trước tình trạng sử dụng điện không đảm bảo an toàn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Cà Mau (đặc biệt là sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp, sử dụng điện sinh hoạt chia hơi).
Về vấn đề thứ nhất
Địa bàn 21 tỉnh thành khu vực phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau (ngoại trừ Tp. Hồ Chí Minh) do Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý cung cấp điện. Đặc thù phân bổ hộ dân cư khu vực phía Nam là rải rác, gắn liền với đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Do đặc điểm trên, suất đầu tư xây dựng công trình cung cấp điện đến từng hộ dân là cao, đặc biệt là khu vực Tây Nam bộ. Riêng tại địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau, theo Quyết định số 11825/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015-2020, suất đầu tư xây dựng công trình cung cấp điện mới cho các hộ dân nông thôn là trên 27 triệu đồng/hộ. Chi phí này là chi phí do ngành điện đầu tư để cấp điện cho các hộ nông thôn từ đường trục cho đến công tơ cấp điện cho khách hàng. Khách hàng sử dụng điện chỉ đầu tư đoạn đường dây từ sau công tơ.
Do đặc điểm địa hình, trong thời gian qua các đơn vị điện lực đã thỏa thuận với khách hàng sử dụng điện về vị trí lắp đặt công tơ là trên trụ điện đối với khu vực nông thôn có phân bổ hộ dân cư rải rác và trước hiên nhà đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn có phân bổ dân cư tập trung hơn. Theo qui định tại Luật Điện lực, dây dẫn điện từ sau công tơ vào nhà dân được hộ dân cư tự kéo hoặc thuê đơn vị có chức năng thi công thực hiện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định kỹ thuật hiện hành do Bộ Công Thương ban hành.
Sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc cung cấp điện đến các hộ dân cư khu vực miền Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, đặc biệt là cho hộ dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Kết quả là, tại khu vực tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2011-2015, số lượng hộ dân cư được lắp công tơ điện đã tăng từ 228.000 hộ lên 281.000 hộ và tỷ lệ số hộ dân cư có điện sử dụng đạt 99,81%, trong đó tỷ lệ hộ dân cư khu vực nông thôn có điện sử dụng đạt 97,72%.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn có tình trạng một số khách hàng dùng chung một công tơ (gọi là chia hơi hoặc câu phụ). Theo số liệu điều tra, tổng số khách hàng dùng chung một công tơ khu vực miền Nam là khoảng 400.000 hộ trong đó riêng tỉnh Cà Mau là khoảng 22.000 hộ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam lập đề án thực hiện để nhất vào năm 2020 sẽ xóa bỏ tình trạng chia hơi (câu phụ) trên địa bàn khu vực miền Nam. Qua tính toán cho thấy tổng nhu cầu vốn của Đề án cần là hơn 3.800 tỷ đồng; trong đó riêng tỉnh Cà Mau là hơn 100 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tìm cách bố trí nguồn vốn, trong đó có sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự chỉ đạo và phối hợp kịp thời giữa các đơn vị, trong năm 2016, ngành điện đã xóa bỏ được tình trạng chia hơi với tổng số 50.000 hộ khu vực miền Nam; riêng tỉnh Cà Mau là 1.200 hộ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực xóa bỏ tình trạng chia hơi (câu phụ) nêu trên, đảm bảo hoàn toàn hoàn thành chậm nhất vào năm 2020.
2. Về vấn đề thứ hai
Việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện là một trong trọng tâm được Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ và Tập đoàn, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Công ty Điện lực Cà Mau đã phối hợp thực hiện các biện pháp thông tin tuyên truyền về sử dụng điện an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh); phối hợp với Hội Nông dân, Sở Công Thương phát 10.000 cuốn “Cẩm nang sử dụng an toàn điện” kết hợp với công tác tuyên truyền an toàn tại các xã thuộc 08 huyện và thành phố Cà Mau. Đồng thời, Sở Công Thương Cà Mau và đơn vị điện lực cũng đã đi kiểm tra thực tế việc an toàn sử dụng điện. Theo thống kê thực tế, tình hình tai nạn điện trong dân trong 10 tháng đầu năm 2016 đã giảm so với năm 2015.
Tuy nhiên, thống kê nguyên nhân các vụ tai nạn điện trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong 10 tháng đầu năm 2016 cho thấy một số hộ dân, người lao động vẫn chưa nhận thức và thực hiện tốt các biện pháp an toàn trong sử dụng điện, có các hành vi sử dụng điện bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất, xây dựng, hoặc có hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, dẫn đến tai nạn điện gây thiệt hại về người và tài sản.
Để giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong nhân dân, đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành kiểm tra thực tế tại nơi sử dụng điện mất an toàn, chấn chỉnh hoặc tạm thời ngừng cấp điện đối với các trường hợp hộ dân cư sử dụng điện không an toàn (việc cấp điện trở lại chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo an toàn); tăng cường tuyên truyền an toàn điện bằng nhiều hình thức, kể cả trực tiếp đến các xã để triển khai các buổi tuyên truyền đến các hộ dân cư.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực đẩy nhanh đầu tư, cải tạo lưới điện, đặc biệt là xóa bỏ tình trạng chia hơi (câu phụ), công tơ điện theo cụm không an toàn như hiện nay. Để nâng cao nhận thức của người dân trong an toàn sử dụng điện, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đưa nội dung về an toàn điện trong sinh hoạt và sản xuất vào trong chương trình giáo dục kỹ năng đối với học sinh, tương tự như nội dung an toàn giao thông.