Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, đại biểu nhất trí với phương án giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, nghĩa là cấp nào cũng có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, nhưng cần điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính này sao cho cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
Theo đại biểu, hoạt động của Hội đồng nhân dân hiện nay còn mang tính hình thức, chưa ngang tầm với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chưa thực sự phát huy được vai trò là cơ quan dân chủ, đại diện trong việc thay mặt người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Bên cạnh đó, tính kỷ luật hành chính trong hoạt động của Ủy ban nhân dân chưa nghiêm, hiệu quả quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp không cao, tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
Đại biểu cho rằng, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa thực sự được đổi mới. Với việc bố trí, bổ nhiệm, bổ sung thêm hai Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, thêm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện như dự thảo luật, theo đại biểu vẫn chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Chất lượng hoạt động của các Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân chưa được thể hiện cụ thể.
Trong khi hiện nay, đại biểu Hội đồng nhân dân đa số là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương còn hạn chế về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử; Các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành thời gian làm nhiệm vụ đại biểu chưa thích đáng.
Đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quy định về cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân cụ thể hơn, rõ ràng hơn để khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.