Ảnh: Đình Nam
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện đang có 2 phương án:
Phương án 1, quy định tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Phương án 2, tổ chức cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn. Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban Nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính quyền địa phương tại phường.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền như hiện nay, tức là duy trì thiết chế HĐND và UBND ở tất cả các cấp là phù hợp với Hiến pháp và phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, không nên vì Hội đồng nhân dân ở một số nơi hoạt động kém hiệu quả mà không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc lập luận:
Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ ràng: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính (gồm HĐND và UBND). HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân; UBND do HĐND cùng cấp bầu ra. Theo đại biểu, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở bất kỳ đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế làm chủ gần gũi, gắn bó nhất với người dân ở địa bàn, bỏ đi một kênh giám sát quyền lực của nhân dân, điều này đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, làm cho chính quyền xa dân hơn.
Thứ hai, cho rằng HĐND cấp phường hoạt động không hiệu quả, còn mang tính hình thức nên không thành lập HĐND ở cấp đó là không phù hợp. Đại biểu cho rằng, HĐND ở một số nơi hoạt động chưa hiệu quả là do thiếu cơ chế, chế tài, điều kiện cần thiết để phát huy tốt vai trò và chức năng của mình. Để HĐND hoạt động có hiệu quả, dự thảo luật nên bổ sung thêm những cơ chế, chế tài và các điều kiện cần thiết để HĐND hoạt động có hiệu quả hơn. Ví dụ, tăng thẩm quyền cho HĐND nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương có hiệu quả; chứ không nên vì một số nơi hoạt động chưa hiệu quả mà không tổ chức HĐND - cơ quan đại diện của nhân dân ở cấp đó.
Thứ ba, nếu đánh giá phương án 1 chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI thì Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng hoàn toàn có thể khắc phục được hạn chế này. Đại biểu chỉ rõ, nếu dự thảo luật kết hợp việc giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 và việc bổ sung các quy định làm rõ sự khác biệt về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính sao cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo thì sẽ đáp ứng được một phần yêu cầu đổi mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng khóa X, XI.