- Theo lộ trình hội nhập, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập vào cuối năm 2015 liên kết 10 quốc gia ASEAN thành một khu vực kinh tế lớn. Thưa Ông, đâu là những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam?
ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Lộ trình hội nhập ASEAN, chúng ta đã thực hiện từ khá sớm. Bởi vì, hiệp định thương mại tự do ASEAN mà Việt Nam là thành viên được ký kết sớm nhất so với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký và/hoặc đang đàm phán với các nước khu vực và trên thế giới. Hiện giờ, chúng ta đang trong quá trình thực hiện đầy đủ hiệp định thương mại tự do về hàng hóa trong các nước ASEAN và tiến tới hình thành cộng đồng kinh tế AEC vào cuối năm nay (2015), khi phần lớn hàng rào thuế quan sẽ về mức 0%, trừ một số hàng hóa và trường hợp đặc biệt.
Quá trình này sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp và nền kinh tế. Về tổng thể, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn so với nhóm sáu nước ASEAN phát triển trước, do vậy sức ép cạnh tranh từ những doanh nghiệp của các nước có trình độ cao hơn, có nguồn lực mạnh hơn chắc chắn là sẽ lớn hơn và gây nhiều khó khăn hơn. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng và với cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ (sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ…) thì rõ ràng sức ép về cạnh tranh để giữ thị trường và mở rộng thị trường cũng lớn và gay gắt hơn so với các nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN.
Trong các ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế và khu vực. Mặt khác, mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng còn rất hạn chế cũng là điểm bất lợi trong bối cảnh hội nhập AEC hiện nay. Ngoài ra do công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh các mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm chế tạo và các mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy… Đặc biệt, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, ngành dịch vụ tài chính ngân hàng và ngành logistic… sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh không nhỏ từ các doanh nghiệp ASEAN.
Một thách thức quan trọng nữa là chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn chậm được cải thiện trước xu hướng cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp, sự dịch chuyển tự do của các yếu tố vốn và lao động…
- Bên cạnh những thách thức thì doanh nghiệp chúng ta cũng còn rất nhiều lợi thế, thưa Ông ?
ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Hội nhập AEC, thị trường Việt Nam sẽ không còn là sân nhà của riêng doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với các hàng hóa, dịch vụ từ các nước ASEAN khác ngay trên chính thị trường truyền thống của mình. Tuy nhiên, không gian thị trường mới cũng sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề là các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định: lợi thế về tự nhiên của nền kinh tế, vị trí địa kinh tế, địa chính trị của đất nước và đặc biệt là sự đa dạng về khí hậu mà ít nước ASEAN nào có. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông sản chúng ta phải cạnh tranh rất gay gắt như ngành chăn nuôi gia cầm mà một số quốc gia rất mạnh trong lĩnh vực này như Thái Lan chằng hạn.
Cho nên, nhìn một cách tổng thể những thuận lợi, những thách thức như trên, tôi nghĩ doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh được hay không chính là việc xác định được những lợi thế tương đối của Việt Nam so với các nước ASEAN. Từ đó, chúng ta sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh. Theo tôi, đây là một định hướng rất quan trọng trong tiến trình cơ cấu ngành nghề của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải có những biện pháp đổi mới về quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các doanh nghiệp của chúng ta rất đông, với tốc độ phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp mới là điều đáng nói. Trong số các doanh nghiệp đang tồn tại có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ. Chỉ có 4% là doanh nghiệp lớn và vừa. Trong bối cảnh hội nhập ASEAN khi mà quy mô của doanh nghiệp Việt Nam là quá nhỏ lại hoạt động trong môi trường kinh doanh không phải là tốt nhất ASEAN thì việc cạnh tranh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN là một thách thức rất lớn. Cho nên cộng đồng doanh nghiệp phải thật sự chủ động và nỗ lực nhiều để có thể lớn lên, để có thể ngang bằng về năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp của các nước ASEAN-6, ASEAN-4.
- Vậy về cơ chế chính sách từ góc nhìn của ĐBQH, của VCCI, Ông có đề xuất gì với Chính phủ?
ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ rất cần có chương trình tái khởi động doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây là một chương trình đồng bộ để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thông qua việc tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời và phát triển: đó là xây dựng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là điểm tựa để chúng ta có định hướng về chính sách, để hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một khuôn khổ pháp lý đơn giản, thuận lợi nhất với chi phí thấp nhất cho sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư thì hy vọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cải thiện được năng lực, đủ sức cạnh tranh và phát triển trong thị trường ASEAN.
- Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải làm gì để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, thưa Ông ?
ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Thị trường ASEAN thống nhất đòi hỏi các doanh nghiệp ASEAN cạnh tranh bình đẳng. Sản phẩm, dịch vụ không giới hạn ở một thị trường riêng lẻ mỗi nước mà là sản phẩm, dịch vụ của ASEAN, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khách hàng toàn cầu. Do vậy, để có thể tồn tại ở thị trường rộng lớn với 600 triệu dân và hơn 2.000 tỷ USD GDP này thì doanh nghiệp không có cách nào khác là phải chủ động đổi mới, tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, tập trung chiến lược cạnh tranh hàng hóa dịch vụ dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng cao… để có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp ASEAN.
Đồng thời, bên cạnh việc nâng cao năng lực để các sản phẩm sản xuất dần vươn tới chuẩn mực khu vực, thế giới các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, đồng thời gia tăng về số lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và rộng hơn là thị trường thế giới. Nói cách khác, các liên kết, cả dọc và ngang, đều rất quan trọng đối với quá trình hội nhập thành công của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta.
- Xin trân trọng cảm ơn Ông!