- Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Ba Đình mới. Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ họp này?
- Đây là Kỳ họp đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức tại Hội trường Ba Đình mới, Phòng họp Diên Hồng. Tôi và các ĐBQH khác đều có chung cảm nhận là rất vinh dự vì được chứng kiến một thời khắc lịch sử, thiêng liêng, trang trọng; bởi tuy là hội trường mới nhưng Hội trường Ba Đình đã đi vào lịch sử, đã mang cả truyền thống của dân tộc, tượng trưng cho hồn thiêng của đất nước. Mỗi ĐBQH đều tự thấy thận trọng, cân nhắc hơn khi phát biểu, thảo luận và thể hiện rõ trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Bởi vậy, tuy nội dung của kỳ họp rất nặng, thời gian có hạn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi ĐBQH, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp. QH đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án Luật; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều nội dung, nhiều vấn đề trong quá trình thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau, có sự tranh luận, nhưng cuối cùng đã bảo đảm sự thống nhất, theo chủ trương chung và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri cả nước. Nhiều vấn đề các ĐBQH nêu đã được UBTVQH, Chính phủ, cơ quan trình dự án Luật tiếp thu, tạo được không khí dân chủ, đoàn kết trong nghị trường.
Về tình hình KT-XH, năm 2014, nền kinh tế nước ta đã có bước phát triển phấn khởi hơn. Tại Kỳ họp thứ Sáu, khi đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ KT-XH năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014, tôi và đa số các ĐBQH đã bày tỏ lo lắng khi Chính phủ đề xuất tăng trần nợ công, tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ với số lượng lớn. Tôi đã đề nghị Chính phủ phải có cam kết chính trị trước nhân dân rằng: tăng trần nợ công, tăng bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng phải bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là điểm đáng lo nhất khi bước vào năm 2014. Tiếp đó, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn nhưng cuối cùng kết quả đạt được tương đối khả quan. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giữ được đà tăng trưởng kinh tế, tuy tỷ lệ không cao. Đây là kết quả, thắng lợi đáng ghi nhận của năm 2014.
Năm 2015 tới, điều làm nhiều ĐBQH băn khoăn là chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư như thế nào? Tuy một số lĩnh vực như giao thông vận tải, ngân hàng... công tác chỉ đạo, điều hành có quyết đoán, sâu sắc hơn nhưng cũng có lĩnh vực việc điều hành chưa thật sự hiệu quả, yếu kém, trì trệ kéo dài. Tăng trưởng kinh tế đang chủ yếu dựa vào vốn vay; năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn rất khiêm tốn, trong khi nợ công đã lên đến 64% GDP, đã tiệm cận trần cho phép 65%. Vấn đề đặt ra là: đầu tư bằng vốn vay sẽ phải giảm, không thể tiếp tục vay nợ mà phải trả nợ đã vay, liệu còn động lực cho tăng trưởng không? Theo tôi tất cả chỉ còn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và cách sử dụng nguồn nhân lực của chúng ta, nếu không phát huy tốt nguồn nhân lực thì bẫy thu nhập trung bình rất khó tránh khỏi.
Về công tác giám sát tại kỳ họp đã dành được sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH và cử tri cả nước. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các nội dung chất vấn tương đối phù hợp, trả lời của các bộ trưởng đã thỏa mãn phần nào băn khoăn của các ĐBQH. Song điều quan trọng hơn là việc thực hiện các lời hứa chưa thực sự hiệu quả, còn khá nhiều việc bộ trưởng hứa nhưng thiếu giải pháp thực hiện, thời gian qua đi nhưng lời hứa thì vẫn còn đó. Riêng thời lượng bố trí chất vấn Thủ tướng Chính phủ còn khá eo hẹp, nhiều ĐBQH chưa có cơ hội để chất vấn và làm rõ một số vấn đề lớn mà đại biểu quan tâm và rất cần một lời hứa trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ.
- Một trong những hoạt động nổi bật của Kỳ họp này là việc QH tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này?
- Giống như kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này rất tốt, các ĐBQH đã thể hiện công tâm và trách nhiệm cao. Ai làm tốt, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, đều đã được ghi nhận. Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm rất cần thiết. Nếu không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai này thì những cố gắng, nỗ lực của nhiều người đã không được ghi nhận. Mức tín nhiệm của một số thành viên của Chính phủ được cải thiện và nâng cao nhờ sự cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua như Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này đã phản ánh đúng tình hình và thực tế điều hành của Chính phủ. Tuy còn có trường hợp tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp tăng so với trước, nhưng tôi nghĩ đó là điều nhắc nhở nhẹ nhàng mà cần thiết không chỉ với người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp mà ngay cả đối với những người đang nhận được số phiếu tín nhiệm cao. QH cũng như các ĐBQH đã làm một việc đúng, hiệu quả sẽ rất lớn. Từ kết quả này ta có thể tin tưởng, khẳng định: lấy phiếu tín nhiệm không những là phương pháp giám sát có hiệu quả cao nhất của QH mà còn là việc làm thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ, có tác động kích thích sự năng động của Chính phủ.
- Cũng tại Kỳ họp thứ Tám, QH đã cho ý kiến một số dự án luật quan trọng liên quan đến cơ cấu tổ chức, trong đó có dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo Luật đã thỏa mãn được yêu cầu thực tiễn đặt ra?
- Hiến pháp năm 2013 quy định mở về tổ chức chính quyền địa phương, nhiều nội dung không hiến định mà để luật định. Việc quy định mở nhằm tạo điều kiện tốt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương. Song, do việc thí điểm một số mô hình chính quyền địa phương chưa làm tốt nên Ban soạn thảo dường như phân vân, chưa thể hiện rõ định hướng, quan điểm chủ đạo. Rất nhiều nội dung, dự thảo Luật đã đưa ra hai phương án để các ĐBQH lựa chọn, trong khi có những nội dung không thể để hai phương án mà cần phải thể hiện rõ quan điểm. Đơn cử, vấn đề có hay không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường, theo tôi, cần được khẳng định cụ thể ngay trong dự thảo Luật, việc đưa ra hai phương án tại thời điểm này chứng tỏ chưa có phương hướng cụ thể. Việc tổng kết thí điểm đó phải thật chặt chẽ về cả lý luận và thực tiễn, chứ không thể lập luận theo kiểu 50-50. Có thể thấy, đó là điểm không thành công của việc thực hiện thí điểm, dự thảo Luật ngay khi mới trình ra đã có vấn đề. Ngay chính Ban soạn thảo cũng không lý giải được theo phương án nào thì ưu điểm, nhược điểm ra sao và quan điểm của cơ quan soạn thảo cụ thể là gì; điều này đã làm khó ĐBQH. Đương nhiên, các ĐBQH đều có quan điểm của riêng mình và 497 ĐBQH sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, rất khó quyết; và hệ quả là những nội dung chi tiết thiết kế mơ hồ, không có định hướng cụ thể, rối, khó hiểu. Theo tôi, các nội dung trong dự thảo Luật cần được quy định theo quan điểm, định hướng rõ ràng.
- Một trong những nội dung còn có nhiều ý kiến trái chiều là quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hai phương án, quan điểm của Phó trưởng Đoàn về vấn đề này?
- Theo tôi, cần quy định theo phương án 2 - tổ chức HĐND ở tất cả các cấp là phù hợp, bởi chính quyền của ta là chính quyền của nhân dân và quyền lực thuộc về nhân dân. Tính nhân dân thể hiện ngay trong tên gọi HĐND và UBND nên chúng ta chỉ có thể làm sâu sắc thêm tính nhân dân trong bộ máy công quyền, không thể vì đề cao quá chức năng quản lý hành chính mà quên đi vai trò đại diện của nhân dân, làm phai nhạt tính nhân dân trong quyền lực nhà nước. Ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND và cần được quy định rõ ngay trong dự thảo luật. Chính quyền ở mỗi cấp, ở đô thị, ở nông thôn, miền núi, hay hải đảo do có đặc điểm khác nhau nên phương thức hoạt động có thể khác nhau nhưng tính nhân dân không thể khác nhau. Có ý kiến cho rằng hoạt động của HĐND còn hình thức, như vậy phải tìm ra nguyên nhân vì sao còn hình thức, càng phải đổi mới, tạo điều kiện để hoạt động của HĐND thực sự hiệu quả.
- Và, quá trình tiếp thu, chỉnh lý sắp tới, dự thảo Luật cần hoàn thiện theo hướng như thế nào, thưa Phó trưởng Đoàn?
- Về cơ bản, phương án 2 dự thảo Luật đã thể hiện phần nào vai trò của HĐND. Tuy nhiên, trong một số quy định, cần tăng cường thêm quyền lực cho HĐND, đề cao tính nhân dân hơn nữa trong tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương.
Hoạt động của HĐND có thể, có nơi còn hình thức, chưa thực sự sâu sát tìm hiểu thực tế; tiếng nói của HĐND chưa thực sự được tôn trọng. Nhiệm vụ quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng ở địa phương của HĐND chưa được quy định cụ thể, nên chưa khẳng định được vai trò; nhiều nơi UBND trực tiếp quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi người dân mà không thông qua HĐND. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò, tăng cường quyền lực, chức năng giám sát cho HĐND. Không có đại biểu HĐND, không có các hoạt động của HĐND thì cử tri biết gửi gắm tâm tư, đề đạt, kiến nghị cùng ai?
Ngoài ra, Điều 113 của dự thảo Luật đã quy định một điểm rất mới, tôi cho rằng rất tích cực, đề cao trách nhiệm trước nhân dân của UBND: UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân ở địa phương. Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung quy định: trước khi trình một chính sách để HĐND quyết định UBND phải gặp gỡ nhân dân, xin ý kiến, nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách. UBND phải giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra trước khi trình HĐND xem xét. Lâu nay, đại biểu HĐND xin ý kiến nhân dân trước khi UBND trình chính sách, cuối cùng HĐND lại thông báo trở lại cho nhân dân. Như vậy, tính nhân dân trong UBND ở đâu? Khi đề xuất chính sách, bản thân UBND cũng phải xuất phát từ nhân dân, hiện tại HĐND làm việc như trung gian, trong khi chức năng của HĐND là giám sát. Chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ giữa HĐND và UBND cần phải được xác định rõ hơn trong dự thảo Luật, UBND cũng phải gắn với dân, trực tiếp với nhân dân.
Nội dung về tổ chức đơn vị hành chính tương đương cũng còn mơ hồ. Tương đương là như thế nào, cấp độ ra sao; dễ dẫn đến hiểu sai (tương đương với quận hay tương đương với tỉnh; coi chừng được hiểu như là tương đương với tỉnh khác). Đáng lẽ Đề án thí điểm chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh phải được QH xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy. Bây giờ nói ĐBQH đặt tên trước cho đơn vị hành chính tương đương, chưa hiểu cụ thể đơn vị hành chính này ra sao thì đặt tên thế nào? Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, mô tả rõ khái niệmđơn vị hành chính tương đương. Một quy luật rất đơn giản là: không thể tư duy logic được nếu khái niệm không rõ ràng. Không nên đưa ra quá nhiều phương án, không rõ về khái niệm, làm cho cách trình bày rối và các ĐBQH không có cơ sở xem xét, cho ý kiến.
- Xin cám ơn Phó trưởng Đoàn!