Về tập hợp đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôi cho rằng đây là nội dung trụ cột của Luật này. Luật đã dành nhiều nội dung ở Điều 3, Điều 8, Điều 18 và nhiều điều khác, dành Chương II để quy định về tập hợp đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, tôi đề nghị quan tâm 2 ý:
Thứ nhất, khối đại đoàn kết phải dựa trên cơ sở có mục tiêu chung. Con người ta có thể khác nhau về tính cách, suy nghĩ, quan niệm, lối sống, thậm chí về quan điểm chính trị tư tưởng, nhưng nếu có mục tiêu chung thì vẫn có thể gặp nhau được, vẫn có thể đoàn kết được... Vì thế, tôi cho rằng cần nghiên cứu thể hiện hơn nữa đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở trong các nội dung của dự thảo Luật. Nhất là ở khoản 1, Điều 3 ghi về quyền và trách nhiệm của MTTQ là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôi đề nghị bổ sung cụm từ: vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn có sự đoàn kết thực chất thì phải dựa trên dân chủ, nếu không dân chủ thì đoàn kết cũng chỉ là giả tạo. Vì thế, ngoài những quy định đã được ghi trong dự thảo Luật như ở Điều 3, khoản 4, Điều 26, Điều 33, dự thảo Luật nghiên cứu thể hiện thêm yêu cầu dân chủ trong các điều, khoản khác. Ví dụ ngay ở Điều 12 quy định về nguyên tắc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải quy định thêm nguyên tắc về phát huy dân chủ.