Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: e47c66a1-1995-90f0-19a0-5680a91a9607.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

Kinh tế nước nhà đã vượt cạn gần như thành công

31/10/2014

Trong ngày đầu tiên thảo luận ở hội trường về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, các ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta đã cơ bản vượt cạn với kết quả có đến 13/14 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch.

Thẳng thắn chỉ ra những điểm thắt về nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm, nợ công có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, hiệu quả liên kết vùng còn yếu… các ĐBQH đã đề xuất nhiều giải pháp cho năm 2015 và đưa ra yêu cầu: phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy khu vực sản xuất trong nước.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế

Tôi đồng tình với Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015 và những năm tiếp theo, cụ thể chúng ta tăng trưởng ở mức 6,2% và kiểm soát lạm phát ở mức 5%. Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư mà Chính phủ đề nghị chỉ ở mức 30%, tôi cho rất khó khả thi. Vì vậy, chúng ta cần phải tăng tổng số đầu tư ít nhất là 32% GDP để đạt mục tiêu nêu trên. Tôi khuyến nghị các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy khu vực sản xuất trong nước. Chính phủ cần có một báo cáo chi tiết vì sao trong 4 năm qua, mỗi năm có hơn 50 nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản. Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta cần có sự hỗ trợ đồng bộ về lãi suất, vốn, thuế, đào tạo, thủ tục hành chính. Trước mắt cần có sự hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp trong nước vay trung, dài hạn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, góp phần giảm độ mở của nền kinh tế. Đây là khoản đầu tư tôi nghĩ chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Thứ hai, phải chú ý đến sự an dân, an tâm trong đầu tư, trong trị bệnh, bảo đảm an toàn trong giao thông, an toàn trong vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự xã hội và nhất là tập trung giải quyết nhanh tình trạng ma túy đang gia tăng tại một số thành phố lớn.

Thứ ba, cần phải tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế và cụ thể Chính phủ cần phải sớm ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật mà QH đã thông qua.

Thứ tư, tiếp tục tổng kết kinh nghiệm để đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, thủ tục hành chính, đặc biệt là con người hành chính. Hiện nay chúng ta hành dân rất nhiều.

Thứ năm, phải tập trung ưu tiên các nguồn lực cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ du lịch và công nghiệp hỗ trợ.

Thứ sáu, tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế. Thực tế cho thấy quá trình này đã có nhiều thành công nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại. Và có một vấn đề doanh nghiệp gửi đến là các cơ quan hành chính, cụ thể UBND các cấp cần xây dựng một Trung tâm dịch vụ hành chính công, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, mở rộng doanh nghiệp mà không đòi hỏi doanh nghiệp phải làm. Chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp vì doanh nghiệp rất sợ thủ tục hành chính.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre): So với bản đồ nợ công thế giới ta đang ở mức trung bình, nhưng vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy, trả nợ vẫn còn thấp, cơ cấu chi chưa thật tốt

Theo dõi các phiên họp thường kỳ của Chính phủ chúng tôi rất mừng vì có sự quyết tâm đồng lòng, nhằm khắc phục những yếu kém chủ quan, lựa chọn các mục tiêu, giải pháp, tính toán chính sách để kinh tế tốt hơn nữa, tăng trưởng cao hơn nữa và nguồn thu ổn định, bền vững hơn. Song, để làm được điều này Chính phủ cần tập trung giải quyết những bất cập sau đây cho năm 2015:

Thứ nhất, nợ công đang là 60,3% GDP. So với bản đồ nợ công thế giới như Nhật 200%, Mỹ 180%, châu Âu từ 150% đến 180%, Trung Quốc cũng rất cao, ta đang ở mức trung bình. Vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy, trả nợ vẫn còn thấp, cơ cấu chi chưa thật tốt. 67% chi cho thường xuyên, 33% chi cho phát triển đầu tư và trả nợ thực sự chưa ổn. Nếu quyết liệt hơn thì cố gắng giảm chi thường xuyên thêm khoảng 10% để tăng chi cho đầu tư phát triển và trả nợ.

Thứ hai, nợ xấu và xử lý nợ xấu. Năm 2012 nợ xấu chiếm 17,21%, khoảng 464.664 tỷ đồng. Đến tháng 9.2014 đã xử lý được 249.363 tỷ đồng. Năm 2014 dự kiến xử lý 80.000 tỷ đồng, hiện đã xử lý được 50.000 tỷ đồng. Đến cuối năm dự kiến xử lý thêm 20.000 tỷ đồng. Công ty mua bán nợ xấu VAMC sau một năm hoạt động đã mua được 86.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tự trích lập 87.000 tỷ đồng dành cho xử lý nợ xấu hiện chưa sử dụng. Đây là nỗ lực lớn của ngân hàng, việc dồn sức xử lý từ nội lực là điều đáng trân trọng. Điểm thắt của vấn đề này là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết cho việc mua, bán nợ xấu. Thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm hai điểm thắt này để xử lý nợ xấu.

Thứ ba, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần phân biệt rõ những lĩnh vực nào Nhà nước giữ quyền chi phối để tăng cường đầu tư, lĩnh vực nào không giữ quyền chi phối, không cần thiết đầu tư thì có thể bán, tạo nguồn lực quốc gia, tránh giữ đó để bị báo lỗ, thoái vốn, mất dần nguồn vốn của Nhà nước. Cơ quan quản lý vốn Nhà nước nên có trách nhiệm về vấn đề này và tham mưu xác đáng hơn nữa cho Chính phủ.

Thứ bốn, vấn đề biên chế, năng suất lao động và tiền lương, lộ trình tăng lương không thực hiện được là do biên chế không giảm, năng suất lao động thấp nên không cân đối được, nếu kéo dài vấn đề này hệ lụy xã hội sẽ khôn lường. Đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này.

Thứ năm, vấn đề ta đang mắc phải và cần tập trung trí lực giải quyết ngay đó là tăng chi lương hiện tăng hơn tốc độ tăng năng suất lao động, tăng chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ đầu tư phát triển.

Thứ sáu, cố gắng tránh tối đa tham nhũng, lãng phí, góp phần tăng tối thiểu được thêm 0,57% GDP theo khuyến cáo của các chuyên gia. Đề nghị Chính phủ quyết liệt đối với vấn đề này.

Thứ bảy, hiện tượng lạm dụng chính sách, bày vẽ thủ tục để trục lợi trong một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và đáp ứng được mong đợi, kỳ vọng Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục mang lại trong sạch thật sự cho nền hành chính quốc gia.

Thứ tám, cải cách giáo dục phải từ tiểu học lên trung học, lên đại học, nhưng ta đang làm ngược lại, làm từ ngọn xuống. Phương châm giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thời gian qua ta đã tập trung bồi dưỡng được nhân tài, đi thi các nơi đều có giải cao, có chuyển biến trong nâng cao dân trí, nhưng đào tạo nhân lực còn kém nên năng suất lao động hiện còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu lao động của thị trường lao động. Tôi tin tưởng Chính phủ sẽ cân nhắc và sớm xử lý những quy định trên để kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững.

ĐBQH Trần Xuân Hùng (Hà Nam): Phải có cơ chế pháp lý mạnh hơn để giải quyết mua đứt nợ xấu và đẩy mạnh các hoạt động bán nợ ra thị trường

Nền kinh tế nước ta còn có nhiều yếu tố không bền vững như: tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại, mức độ tiêu thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể rất cao; tình hình cơ cấu lại của hoạt động quản trị tại các Ngân hàng thương mại còn rất chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra và các ngân hàng sau khi hợp nhất, mặc dù có sự tăng lên về quy mô và tài sản, song mới chỉ là sự hợp nhất về cơ học, chưa có sự cải thiện đáng kể về tài chính và quản trị.

Phải khẳng định, đến nay, nợ xấu vẫn là vấn đề rất nan giải, chúng ta chưa có giải pháp cơ bản xử lý nợ xấu. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Công ty mua bán nợ... đều thiếu về quyền lực, về năng lực và về nguồn lực. Thực tế, thiếu một trong ba yếu tố này đã khó hoàn thành nhiệm vụ nhưng ở đây, hai công ty này, theo đánh giá của tôi, hiện đang thiếu cả ba yếu tố. Theo tôi hiểu, việc mua bán nợ là của cơ chế thị trường. Chính phủ cần phải có cơ chế pháp lý mạnh hơn trong việc mua bán nợ, cho phép các công ty nêu trên được sử dụng các giải pháp mang tính thị trường thay cho các biện pháp hành chính để giải quyết mua đứt nợ xấu và đẩy mạnh các hoạt động bán nợ ra thị trường.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh): Cần có cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả liên kết vùng, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực hoặc chính sách của địa phương này triệt tiêu chính sách của địa phương khác

Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành thời gian qua đã điều hành kinh tế vĩ mô vượt qua khó khăn, duy trì được tốc độ tăng trưởng, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn ở mức tăng trưởng khá.

Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về hiệu quả thực hiện liên kết vùng, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2015, trong đó có giải pháp về tăng cường liên kết vùng. Vấn đề liên kết vùng đã được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa vận hành có hiệu quả. Thực tế, liên kết vùng của chúng ta trong thời gian qua vẫn mang tính hình thức. Những năm gần đây, các vùng đã tìm mọi cách để có thể tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng liên kết. Tuy nhiên, cam kết hỗ trợ rất ít đi vào thực tiễn, do tính bắt buộc và tính pháp lý thấp; các thỏa thuận chưa đi đôi với điều kiện thi hành, nguồn lực hợp tác hạn chế, tính cục bộ địa phương vẫn chi phối hợp tác giữa các địa phương; phân cấp đầu tư cho địa phương, song địa phương không chủ động liên kết đầu tư phát triển hạ tầng vùng mà chủ yếu dựa vào Chính phủ; phân cấp mạnh, nhưng thiếu các cơ chế phối hợp dựa trên lợi ích so sánh.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một cơ chế quản lý nào theo dõi phát triển vùng. Việc thiếu liên kết giữa các địa phương không những làm lãng phí nguồn lực mà còn xuất hiện những hiện tượng chính sách của địa phương này có thể làm triệt tiêu chính sách của địa phương khác. Vì vậy, tôi thống nhất cao việc sửa đổi Quyết định 159 ngày 10.10.2007 của Thủ tướng về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, quyết định sửa đổi như thế nào đi chăng nữa, theo tôi cần thể hiện rõ người chỉ đạo, lãnh đạo vùng là người của Trung ương chứ theo cơ chế luân phiên chủ trì như hiện nay thì vẫn không thay đổi được gì.

ĐBQH Đào Tấn Lộc (Phú Yên): Để xử lý nợ xấu, ngân hàng là chủ công nhưng không chỉ ngân hàng có thể làm nổi mà nên có Ban chỉ đạo liên ngành do Chính phủ chỉ đạo

Tôi cơ bản nhất trí với các nội dung Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước QH và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Có thể nói, năm 2014 kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định và có sự cải thiện hơn. Nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tốt hơn, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Tôi cũng nhất trí với các mặt hạn chế, khuyết điểm được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và các mục tiêu giải pháp chủ yếu được nêu cho năm 2015.

Về nợ xấu của ngân hàng, đây là vấn đề lớn của đất nước, nên trong Kỳ họp thứ Sáu, tôi đã đề nghị để xử lý nợ xấu, ngân hàng là chủ công nhưng không chỉ ngân hàng có thể làm nổi mà nên có Ban chỉ đạo liên ngành do Chính phủ chỉ đạo để xử lý nợ xấu, đặc biệt nợ xấu có nguồn từ nhà nước. Việc này đầu những năm 90 của thế kỷ trước nước ta đã làm, không phải là vấn đề mới, lúc đó nợ xấu còn cao hơn bây giờ, nó liên quan đến nợ chéo giữa các doanh nghiệp, làm tăng nợ xấu cho ngân hàng. Và có loại nợ xấu xuất phát từ việc tái cơ cấu lại đầu tư công, nên nhiều địa phương không có tiền để trả nợ khối lượng doanh nghiệp đã làm, nên nợ dây chuyền cho những doanh nghiệp vật liệu xây dựng... - không gỡ được.

Liên quan đến vốn đầu tư năm 2015, qua nghiên cứu dự toán chi ngân sách năm 2015, tôi thấy việc phân bổ vốn xây dựng cơ bản năm 2015 có điểm chưa thỏa đáng. Vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách thấp hẳn so với mức bội chi ngân sách và tổng hợp cả nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ thì tỷ lệ so với tổng chi ngân sách thấp hơn năm 2014. Năm 2014 là năm đáng mừng, có sự nỗ lực chung của các ngành, trong đó có hệ thống tài chính, dự báo thu ngân sách vượt tương đối tốt. Tôi đề nghị từ nguồn tăng thu năm 2014 và nguồn trái phiếu Chính phủ, bổ sung  khoảng 15.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản so với vốn xây dựng cơ bản trình QH, vừa tiệm cận mức bội chi và ngang bằng với tỷ lệ chi xây dựng cơ bản năm 2014. Đồng thời, để có thể thúc đẩy cho một số công trình hoàn thành và công trình trọng điểm quốc gia sớm hoàn thành, hỗ trợ trả nợ đọng và thúc đẩy các công trình địa phương hoàn thành trong năm 2015. Xin nói thêm, ngay ở tỉnh Phú Yên, dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô được Chính phủ cho khởi công, nhưng một số dự án ngoài hàng rào cũng được Thủ tướng Chính phủ kết luận từ cuối năm 2012 nhưng đến nay cũng cơ bản chưa bố trí được vốn để triển khai. Chúng ta muốn có nguồn thu lớn cho quốc gia từ một dự án đầu tư FDI mấy năm nữa mà không có đầu tư xứng đáng ngoài hàng rào thì làm sao có được.

Nhân đây tôi bày tỏ chính kiến về việc ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Muốn tạo sự phát triển năng động, nhất định từ bây giờ chúng ta phải tính toán cơ hội.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Vì sao nông sản trong nước làm ra không tiêu thụ được, trong khi doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các loại nông sản đó? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Đến thời điểm này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã cơ bản vượt cạn với kết quả dự kiến có đến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kết hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế của chúng ta còn nhiều việc phải làm; đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là lĩnh vực có sức ảnh hưởng rất lớn đến hơn 70% dân số của Việt Nam. Khu vực này từ trước đến nay được xem là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng thực tế hiện nay, nếu không có sự quan tâm đặc biệt cùng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì trụ đỡ này có nguy cơ bị lung lay trong một tương lai không xa.

Để khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững, cần phải làm nhiều và thật nhiều việc, nhưng việc làm kiên quyết là phải tăng được thu nhập cho nông dân ngay trên chính mảnh đất mà họ đang sinh sống, sản xuất. Nhà nước cần vào cuộc thật sự mạnh mẽ và hiệu quả. Các bộ, ngành cần tư vấn, hỗ trợ cho nông dân các loại giống tốt, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch, đăng ký thương hiệu nông nghiệp quốc gia, hỗ trợ tín dụng nông nghiệp để hướng đến mục tiêu giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Những giải pháp này không khác gì bài học vỡ lòng, ĐBQH và các nhà kinh tế đều biết, nhưng tại sao lại chưa được triển khai thực hiện một cách hiệu quả? Phải chăng ở đâu đó còn thiếu sự quyết tâm, thiếu sự nhiệt tình hay thiếu đồng bộ? Hoặc do cơ chế, chính sách còn chưa mạnh mẽ để tạo sự chuyển biến tích cực, giúp cho trụ đỡ của nền kinh tế ngày một vững chắc hơn?

Điều đáng buồn là Việt Nam tuy là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, có nhiều lợi thế cung cấp các mặt hàng nông sản để xuất khẩu, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, chúng ta đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ USD, tương đương với hơn 42 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu 4.787 tấn nông sản chỉ với 3 loại gồm bắp ngô, hạt điều và đậu tương, tăng 31,3% so với năm 2013. Dẫu biết rằng, chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia trong khu vực, nhưng việc nhập khẩu nông sản như vậy gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và làm thiệt thòi cho nông dân nước ta. Trong khi nông sản do nông dân làm ra không tiêu thụ được thì doanh nghiệp trong nước lại đi tìm mua nguyên liệu ở nước ngoài. Khi bàn đến câu chuyện này, các bộ, ngành có liên quan trả lời rằng phải nhập khẩu bắp ngô vì quy mô chăn nuôi tập trung ở trong nước tăng mạnh, diện tích trồng ngô không được mở rộng, ngô nhập khẩu không phải mất công phơi sấy... hay phải nhập khẩu hạt điều vì nguồn hạt điều trong nước không đủ đáp ứng, hiện chỉ đáp ứng được 1/3 công suất thiết kế của 460 nhà máy sản xuất trong nước. Nhưng thực tế đang diễn ra là trong nước còn rất nhiều vùng trồng được cây ngô nhưng trồng rồi có mấy ai mua? Hay cây điều trong nước rất nhiều, nhưng cũng đang bị bấp bênh vì giá thấp và cũng có rất ít người mua.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nông sản trong nước làm ra không tiêu thụ được, trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu các loại nông sản đó? Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai? Tôi cho rằng trách nhiệm đó phần lớn thuộc về các cơ quan nhà nước trong công tác định hướng, quy hoạch. Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có hướng chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trước mắt, cần định hướng quy hoạch chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại nông sản này. Đồng thời chỉ đạo việc du nhập, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của các quốc gia trên thế giới như Israel, Nhật Bản đi kèm với các chính sách ưu đãi. Có quy định chặt chẽ về điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu phải gắn với vùng nguyên liệu, cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân như hiện nay...

(Theo Đại biểu nhân dân)