Kỳ họp thứ 8 - ấn tượng nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Bế mạc Kỳ họp thứ 8
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Sau 29,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hải Phòng.
Phóng viên: Quốc hội khóa XV vừa hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 8. Đại biểu có thể cho biết những đánh giá của mình về các nội dung đã được đưa ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này?
Đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hải Phòng: Sau 29,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.
Có thể khẳng định, công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các vị ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 8
Trong thời gian 02 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ. Các ĐBQH đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi chất vấn và tranh luận thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng. Với việc hoàn thành khối lượng lớn công việc, có thể khẳng định, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Những vấn đề cử tri quan tâm đã được các ĐBQH Tp. Hải Phòng chuyển tải kịp thời để xem xét, giải quyết
Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết sự đóng góp của Đoàn ĐBQH thành phố trong việc xây dựng luật cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng cho địa phương thông qua Kỳ họp này?
Đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hải Phòng: Tham dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đã có nhiều đóng góp, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật cũng như đóng góp các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, của thành phố tiếp tục phát triển. Tiếp tục phát huy tinh thần làm việc tích cực và trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các ĐBQH thành phố đã nghiêm túc tham gia đầy đủ các phiên họp, chủ động nghiên cứu tài liệu tham gia ý kiến thảo luận tâm huyết, chất lượng cao vào các nội dung của kỳ họp.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hải Phòng
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đã có 18 lượt đại biểu đăng ký thảo luận tại hội trường, trong đó: phát biểu trực tiếp 06 lần và 12 lần gửi ý kiến bằng văn bản (với tổng số 158 ý kiến góp ý cụ thể) đến Tổng Thư ký Quốc hội và Ủy ban thẩm tra của Quốc hội; có 32 lượt đại biểu phát biểu tại Tổ. Các ý kiến phát biểu của ĐBQH thành phố tập trung thảo luận đánh giá bổ sung về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025) cùng nhiều nội dung quan trọng khác...
Trong các phiên thảo luận tại Tổ, thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – ĐBQH Tp. Hải Phòng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); đồng thời tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực y tế.
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Tp.Hải Phòng đã gửi văn bản chất vấn: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp của Ngành ngân hàng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển sau bão; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về: (1) Thực trạng và giải pháp để nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng dịch vụ và hoạt động của các mạng viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc cho những tình huống thiên tai tương tự có thể xảy đến trong tương lai đặc biệt là các tình huống đặc biệt như bão lũ, an ninh, quốc phòng; (2) Giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò, sự đóng góp từ phía các cơ quan báo chí truyền thông vào quá trình phát triển chung của ngành du lịch nước nhà một cách đúng mực, chân thực, khách quan để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh du lịch nước nhà.
Các ĐBQH ấn nút thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH trong Đoàn đã rất tích cực làm việc, trao đổi với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước để giới thiệu, quảng bá và tuyên truyền cụ thể hơn về chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị, để các vị ĐBQH nắm rõ hơn và ủng hộ việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. Hải Phòng.
Nhìn chung, các ý kiến phát biểu của các ĐBQH thành phố luôn bám sát thực tiễn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố; nêu rõ những vướng mắc, bất cập từ chính sách, pháp luật, những vấn đề nóng cử tri quan tâm đã được các ĐBQH thành phố chuyển tải kịp thời tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Bên cạnh việc tham gia đầy đủ các phiên họp tại Hội trường, tại Tổ, tại Đoàn và các phiên làm việc của Quốc hội để xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các ĐBQH Tp.Hải Phòng còn tham dự các hoạt động khác như: tham dự các hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên; dự cuộc gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm các ĐBQH chuyên trách; gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với một số Đoàn ĐBQH, với một số Bộ, ngành; trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình... Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã góp phần vào sự thành công chung của kỳ họp. Các ĐBQH đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thật sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri thành phố.
5 giải pháp nâng cao vai trò giám sát, quyết định các vấn đề cấp bách để bám sát với thực tiễn cuộc sống
Phóng viên: Để những ý kiến, đề xuất của ĐBQH đóng góp tại Kỳ họp này được tiếp thu và giải quyết một cách có hiệu quả, theo đại biểu, Quốc hội cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, quyết định các vấn đề cấp bách đối với thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và trong đời sống dân sinh như thế nào?
Đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong việc giám sát các hoạt động của Chính phủ, các cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức khác nhằm đảm bảo các chính sách, pháp luật và quyết định của Nhà nước được thực thi đúng đắn, bảo vệ lợi ích của người dân và đất nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐBQH thực hiện nghi thức Bế mạc Kỳ họp thứ 8
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, mang lại những kết quả tích cực, góp phần nhận diện và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào các vấn đề then chốt của đất nước như phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và quản lý tài nguyên môi trường. Nhờ hoạt động giám sát, các cơ quan hành chính Nhà nước đã có những thay đổi tích cực trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong khung pháp lý, giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thông qua hoạt động giám sát, các ĐBQH đã tích cực thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến cử tri và phản ánh những vấn đề nóng tại các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc cho ý kiến, quyết định các vấn đề cấp bách từ thực tiễn của đất nước thời gian qua (giải quyết hậu quả từ đại dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; việc thực hiện các dự án giao thông đặc biệt quan trọng quốc gia,…). Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội còn tồn tại một số bất cập và hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng giám sát:
Một là: Nhiều cuộc giám sát mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện vấn đề mà chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục triệt để; một số cuộc giám sát còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào bản chất của vấn đề, dẫn đến việc phát hiện sai phạm nhưng không có biện pháp xử lý mạnh mẽ;
Hai là: Các kiến nghị sau giám sát của Quốc hội chủ yếu mang tính chất khuyến nghị, thiếu các cơ chế buộc các cơ quan có liên quan phải thực hiện, dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề đã được chỉ ra trong các báo cáo giám sát nhưng không được khắc phục hoặc giải quyết triệt để. Thiếu cơ chế xử lý rõ ràng sau giám sát làm giảm hiệu quả và tác động của hoạt động giám sát.
Quốc hội thực hiện nghi thức Bế mạc Kỳ họp thứ 8
Ba là: Các Đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH chủ yếu dựa vào các báo cáo, thông tin từ các cơ quan hành chính; chưa có nhiều cơ chế thu thập thông tin độc lập làm giảm tính khách quan của hoạt động giám sát… có thể dẫn đến việc thông tin bị thiên lệch, không đầy đủ.
Bốn là: Một số ĐBQH chưa có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng giám sát, dẫn đến việc giám sát chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát hiện và đánh giá các vấn đề phức tạp, đồng thời hạn chế khả năng đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi.
Năm là: Hoạt động giám sát của Quốc hội chưa thực sự phát huy được sự tham gia của người dân; việc tiếp thu ý kiến, phản ánh từ người dân còn hạn chế, các kênh thông tin từ người dân đến Quốc hội chưa thực sự hiệu quả đã phần nào làm giảm khả năng giám sát toàn diện và phản ánh thực tế của hoạt động giám sát.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy cần phải tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ và đồng bộ hoạt động giám sát của Quốc hội, ĐBQH, nâng cao hiệu quả, vai trò của hoạt động giám sát để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước sát với thực tiễn, phù hợp với xu thế chung của sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý Nhà nước, đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội. Một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng chương trình giám sát phải gắn với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; cân đối giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện, bám sát tình hình thực tiễn và các vấn đề được dư luận, cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm; bố trí thực hiện giám sát chuyên đề phù hợp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường thời lượng, nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, tăng cường phối hợp, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Kiểm toán nhà nước, Đoàn ĐBQH để có tính phản biện độc lập, khách quan trong hoạt động giám sát, bảo đảm tính thực tiễn khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về giám sát; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện các hoạt động giám sát, tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh; đảm bảo thực hiện hợp lý, tránh chồng chéo gây lãng phí nguồn lực.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện bộ quy trình về hoạt động giám sát. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát cho các ĐBQH theo từng lĩnh vực cụ thể đảm bảo phù hợp tình hình thực tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ công chức làm công tác tham mưu phục vụ hoạt động giám sát; có cơ chế phù hợp để thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu về các lĩnh vực.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!