Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh Phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Sau 29,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho rằng, với tinh thần trách nhiệm cao các vị ĐBQH đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Phóng viên: Với tinh thần đổi mới, chủ động, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8 đã họp Phiên bế mạc, hoàn thành nội dung chương trình đề ra, đại biểu có thể đánh giá khái quát về thành công kỳ họp?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân: Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, không khí thảo luận, chất vấn dân chủ, thẳng thắn, đa chiều, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết.
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Thẩm phán nhân dân tối cao; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội.
Đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia ký kiến tại các phiên thảo luận Tổ
Cá nhân tôi và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng với tinh thần trách nhiệm cao các vị ĐBQH đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Về công tác lập pháp, các dự án Luật và Nghị quyết đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Các dự án Luật cho ý kiến lần đầu cũng được xem xét khách quan, toàn diện về nội dung và bố cục. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tham gia tranh luận, phân tích, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung một cách hợp lý, chặt chẽ, góp phần hoàn thiện các dự án Luật.
Việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Ý kiến thảo luận, góp ý của ĐBQH cơ bản được cơ quan trình giải trình, tiếp thu và ghi nhận khá đầy đủ. Các đại biểu Quốc hội tích cực dành thời gian nghiên cứu, thảo luận tại các phiên thảo luận tổ và toàn thể nhằm hoàn thiện các nội dung quan trọng trước khi biểu quyết thông qua.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia chất vấn tại Kỳ họp thứ 8
Về hoạt động giám sát tối cao, tôi cho rằng, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về cách thức tiến hành, cũng như công tác phục vụ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân: Có thể nói Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý, chặt chẽ, dành thời gian gần 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH trước khi trình thông qua các nội dung tại kỳ họp. Việc điều chỉnh chương trình kỳ họp linh hoạt, phù hợp, cơ bản đảm bảo thời gian chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng một số dự án luật quan trọng.
Chủ tọa điều hành linh hoạt và chất lượng, tạo cơ hội để đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận làm rõ vấn đề. Đặc biệt, việc điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu tại kỳ họp này tương đối phù hợp, được thông báo từ sớm, đảm bảo cho đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị và nhận được sự đồng thuận cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Về công tác phục vụ kỳ họp, tôi đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới về phương pháp cung cấp thông tin, tài liệu. Nội dung tài liệu cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ĐBQH. Công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp được các cơ quan Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình của Trung ương và địa phương đưa tin kịp thời, đúng định hướng, chất lượng, hiệu quả; nội dung phong phú, thông tin đa dạng, nhiều chiều, phương thức sinh động, sát diễn biễn kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm bắt.
Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ một số kết quả và sự tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, góp phần vào thành công chung của kỳ họp?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân: Đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tích cực tham gia các ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường, tham gia chất vấn và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Kỳ họp, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tham gia 28 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, 5 ý kiến phát biểu tại hội trường, tham gia chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi 10 văn bản chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về các vấn đề đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Kỳ họp thứ 8
Để có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trước khi bước vào kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 08 xã, phường, thị trấn của 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với gần 2.000 cử tri, Nhân dân tham gia. Qua đó, đã tổng hợp 06 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và các Bộ ngành Trung ương; 23 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
Với khối lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp. Trong đó, một số dự án Luật, Nghị quyết có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động tới nhiều đối tượng, có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kết hợp tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản, vừa khảo sát vừa tổ chức hội nghị lấy ý có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
Đoàn đã tổ chức 03 hội nghị đóng góp vào 07 dự án luật và ban hành 19 văn bản lấy ý kiến đóng góp 28 cơ quan, đơn vị vào 27 dự án luật. Qua đó đã tổng hợp 183 nội dung gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi các đại biểu trong Đoàn làm tài liệu tham khảo để tham gia xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao đổi với UBND tỉnh, các cơ quan đơn vị có liên quan để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân để đề xuất kiến nghị và chất vấn các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ tại kỳ họp.
Phóng viên: Sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai các hoạt động nào để lan tỏa kết quả kỳ họp, cũng như để các Nghị quyết đã được thông qua sớm đi vào cuộc sống?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân: Để nhanh chóng lan tỏa về thành công của Kỳ họp thứ 8, ngay trong kỳ họp Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các nội dung để ĐBQH tiếp xúc cử tri ngay sau khi kỳ họp kết thúc, để thông báo nhanh nhất tới cử tri toàn tỉnh kết quả Kỳ họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tập trung tuyên truyền các nội dung được Quốc hội thông qua, nhất là một số dự án Luật, nghị quyết có tác động ảnh hưởng sâu rộng tới cử tri và Nhân dân như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Công chứng… Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Bổ sung dự toán chi NSNN năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định…
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tổ chức 02 cuộc giám sát theo chương trình của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gồm: (1) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; (2) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cũng chuẩn bị các nội dung tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 để đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2024 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!