ĐBQH HOÀNG QUỐC KHÁNH: RÀ SOÁT, NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU THẬP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ

28/05/2024

Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ và một số nội dung liên quan đến tên của Tòa án nhân dân, ngạch thẩm tra viên Tòa án…

Rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ

Về nội dung thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), đại biểu cho biết, dự thảo Luật có quy định “Trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật”. “Trong trường hợp các bên đã thực hiện đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ”.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu ý kiến

Đại biểu cơ bản đồng tình với quy định trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác các bên tự thu thập chứng cứ, tuy nhiên không phải với tất cả các trường hợp, đối với những người yếu thế trong xã hội, người nghèo, cận nghèo nhất là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, đề nghị nên giữ quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ, vì những lý do sau:

Thứ nhất, Nghị quyết 27-NQ/TW của của Ban chấp hành Trung ương Đảng có nêu: Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh. Nghiên cứu làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Do đó, việc giữ quy định Tòa án thu thập chứng trong trường hợp này chính là góp phần thực hiện công bằng trong việc tiếp cận pháp luật, vì người yếu thế, người nghèo điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, hạn chế trong giao tiếp xã hội, nhà nước không hỗ trợ thì rất thiệt thòi và cũng chính là quy định cụ thể những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ

Thứ hai, việc quy định Tòa án không phải thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn nước ta đó là: trình độ dân trí một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa cao, việc người dân tiếp cận các cơ quan công quyền để đề nghị cung cấp hồ sơ giấy tờ không phải lúc nào cũng thuận tiện và được hỗ trợ ngay nhất là trong vụ án hành chính vì muốn có tài liệu cung cấp cho Tòa án phải gặp cơ quan hành chính; số lượng vụ việc có luật sư tham gia tố tụng trên tổng số các vụ việc Tòa án đã giải quyết còn thấp, mới đạt 8,15%; việc hỗ trợ qua hoạt động trợ giúp pháp lý không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Thứ ba, khi lấy ý kiến tham vào dự án luật, nhiều cán bộ công tác tại Tòa án địa phương đồng tình nên giữ quy định Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế, người nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu không là rất thiệt thòi cho đối tượng này và cũng khó khăn cho việc thụ lý giải quyết án. Do đó đề nghị Quốc hội cần cân nhắc và giữ quy định trên.

Ngoài ra, về một số nội dung khác của điều luật này, dự thảo còn nhiều quy định chung chung, định tính, cụ thể: Khoản 4 quy định “Trường hợp các bên đã thực hiện biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ” – vậy tiêu chí nào xác định “các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết”; Điều luật có 7 khoản thì đến 6 khoản sử dụng cụm từ “thực hiện theo quy định pháp luật”. Đại biểu đề nghị nghiên cứu thể hiện cụ thể hơn, đồng thời gộp khoản 5, khoản 6 thành một khoản để đảm bảo tính phù hợp.

Làm rõ quy định về ngạch Thẩm tra viên Tòa án, ngạch Thư ký Tòa án

Liên quan đến quy định Tòa án phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử (Điều 29), đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 quy định “trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án, vụ việc có dấu hiệu trái với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên - thì Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản đó”.

Về nội dung này, đại biểu đồng tình, tuy nhiên trong thực tiễn ở địa phương, số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật cơ quan cấp trên rất ít, chủ yếu là các văn bản chỉ đạo điều hành do các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành, nếu giới hạn văn bản quy phạm pháp luật là quá hẹp. Ví dụ nghị quyết HĐND tỉnh….Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng mở rộng đó là “phát hiện văn bản có liên quan đến giải quyết vụ án, vụ việc có dấu hiệu trái pháp luật - bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước” trái văn bản quy phạm pháp luật cấp trên thì Tòa án kiến nghị sửa đổi, thay thế, bãi bỏ, như vậy sẽ đầy đủ, toàn diện hơn.

Toàn cảnh phiên họp

Về tên của Tòa án nhân dân quy định tại Điều 4, Dự thảo đưa ra 02 phương án, đại biểu chọn Phương án 01 đó là giữ tên TAND tỉnh, TAND huyện như Luật hiện hành. Vì việc đổi tên thì vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND tỉnh vẫn xét xử phúc thẩm.

Về ngạch Thẩm tra viên Tòa án (Điều 114), ngạch Thư ký Tòa án (Điều 118), dự thảo Luật đưa 02 phương án theo đó: Phương án 01 quy định ngạch Thẩm tra viên và ngạch thư ký Tòa án; Phương án 02 không quy định trong luật mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đại biểu chọn Phương án 02, vì quy định hiện hành chức danh Thẩm tra viên Tòa án và Thư ký Tòa án là chức danh tư pháp, không phải là công chức hành chính; pháp luật hiện hành không quy định và không xác định được vị trí việc làm cho các chức danh này. Thực tế có Tòa án nhân dân đề nghị không quy định ngạch vì trong thời gian qua các chức danh này chính là nguồn cho phát triển Thẩm phán, đề nghị cần rà soát lại quy định này.

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (Điều 141), dự thảo đưa 02 phương án, đại biểu đồng tình với Phương án 01. Đó là việc ghi âm, lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi hình ảnh tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc, tuyên án, công bố quyết định.                                                    

Hồ Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác