Phóng viên: Lễ hội truyền thống nói chung và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa người Việt Nam, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lễ hội là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, được hình thành trên cơ sở một nghi lễ, tín ngưỡng nào đó. Các lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa tiến hành theo định kỳ, mang tính cộng đồng (thường là cộng đồng làng). Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, lễ hội là một thí dụ sinh động nhất của di sản văn hóa, vừa là một hình thức diễn xướng dân gian bao gồm nhiều hình thức diễn xướng nhỏ, kết hợp hữu cơ với nhau tạo thành tổng thể diễn xướng lễ hội, vừa là một hình thức diễn xướng tâm linh, không còn là thế giới hiện thực mà đã vươn lên thế giới biểu tượng linh thiêng. Nó tái hiện lại lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội trong một “thời điểm mạnh”, thời điểm có giá trị đặc biệt, thời điểm thiêng, khác với thời gian thường ngày, đồng thời đạt tới hiệu quả xã hội nhiều mặt, nó tạo nên và biểu trưng cho sức mạnh cố kết cộng đồng, nó là niềm cộng cảm và cộng mệnh của cộng đồng thoả mãn ước vọng vươn tới sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên, với cội nguồn.
Chính vì tầm quan trọng như vậy nên lễ hội được tổ chức như một sự thể hiện lòng tri ân của nhân dân với truyền thống chung của dân tộc, ôn lại lịch sử và ghi nhận công ơn của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc qua các giai đoạn lịch sử; có giá trị giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Lễ hội còn mang truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, tôn giáo, tính nhân văn mà mỗi dân tộc, vùng miền vốn có. Đến với lễ hội, mọi người được giải tỏa tinh thần, đồng thời được nhắc nhở cần phải sống có ý thức văn hóa, có trách nhiệm với địa phương và đất nước, đồng thời đóng góp công sức xây dựng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, nơi thờ tự,... Do vậy, lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng đạo đức lối sống cho mỗi người.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lại càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt Nam. Chúng ta thường quen thuộc với câu: “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Đây như một lời nhắc nhở mọi người dân Việt Nam về một đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ở đó, mỗi gia đình đều có tổ tiên, cội rễ thì dân tộc cũng có một tổ tiên chung. Chính việc xác định nguồn gốc tổ tiên chung giúp hình thành ý thức về quốc gia, dân tộc, hình thành nên lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, từ lâu đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc. Đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/03 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn.
Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, kết tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy.
Văn hóa người Việt được đặc trưng bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở Đền Hùng và nói một câu truyền cảm hứng cho cả dân tộc về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu từ con tim ấy cùng với nghĩa đồng bào được vang lên từ buổi đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” chính là thông điệp quan trọng để tạo nên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người dân đất Việt.
Phóng viên: Sau gần 12 năm được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" ở nước ta đã được lan tỏa như thế nào thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Có thể nói rằng, các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Ngày 06/12/2012 tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với sự đánh giá rất cao của Hội đồng chuyên gia. Đây là niềm vui mừng, phấn khởi không chỉ của mỗi người dân trên quê hương Đất Tổ Hùng Vương mà còn là niềm vui mừng, phấn khởi chung của đồng bào cả nước trước một sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, đất nước chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giữ gìn, phát huy tốt nhất giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương trong xã hội đương đại và tương lai
Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.
Kể từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận đến nay đã gần 12 năm. Đây là một khoảng thời gian không quá dài nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.
Đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên – dân tộc mình thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thời gian qua, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều hoạt động cụ thể. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước. Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; Hoạt động quảng bá giá trị của Tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông.... Tất cả giúp cho chúng ta có một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!