LÀM RÕ CƠ CHẾ, THỜI GIAN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

17/01/2024

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại phiên thảo luận Tổ, các ý kiến cho rằng, việc phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng cần làm rõ về cơ chế phân cấp, thời gian thực hiện thí điểm, để đảm bảo tính khả thi.

THẢO LUẬN TỔ 13: PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thảo luận tại Tổ, đa số đại biểu cho rằng, việc phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng cần làm rõ về cơ chế phân cấp, thời gian thực hiện thí điểm, để đảm bảo tính khả thi.

Theo Chương trình, ngày 18/01, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và hội trường về 8 cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.

Trong Tờ trình của Chính phủ tại khoản 7 Điều 4 về giải pháp cơ chế, thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại dự thảo Nghị quyết dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,  Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án:

Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030. Cụ thể:

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện cơ chế thí điểm, trong đó ưu tiên huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; có nhiều điển hình cách làm hay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đạt trên 70%. Tổng số huyện được lựa chọn thí điểm không quá 50% số đơn vị cấp huyện tại địa phương.

- Nội dung phân cấp: (1) Cấp tỉnh quyết định phân bổ, giao dự toán, kế hoạch vốn cho huyện thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình (không phân biệt theo chương trình); (2) Cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng chương trình, dự án thành phần, danh mục dự án đầu tư công.

Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như dề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Cụ thể:

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025. Trong đó, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh:

+ Phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch, dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao.

+ Cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Nguyên tắc thực hiện:

+ Việc điều chỉnh đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho người dân.

+ Việc sử dụng từng loại nguồn vốn (chi đầu tư, chi thường xuyên) sau khi được điều chỉnh phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.

Đại biểu Chá A Của – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La 

Trước đó, thảo luận tại Tổ (sáng 17/01) về nội dung này, đa số ý kiến đồng tình với việc thực hiện cơ chế này và đề nghị lựa chọn phương án 2 trong dự thảo sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030.

Đại biểu Chá A Của – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cũng thống nhất với phương án 2 như Chính phủ trình, trong đó có nhiều yếu tố ưu việt hơn và sẽ giúp triển khai thực hiện tốt hơn. Tuy vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn, nếu chọn phương án 2, sau khi nghị quyết có hiệu lực cần có hướng dẫn cụ thể về thí điểm trong bao lâu, trong thời gian thực hiện thí điểm tại một huyện thì việc triển khai chương trình ở các huyện khác sẽ được thực hiện như thế nào?. Chính phủ cần giải trình làm rõ vấn đề này, bởi đối tượng thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia hầu hết là người dân, người đồng bào dân tộc.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng tình với phương án 2 như Chính phủ trình để đảm bảo cho việc phân cấp triệt để chocấp huyện chủ động cho việc điều hành, quản lý các chương trình mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025, đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Về cơ chế phân cấp, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ băn khoăn về quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025. Bởi nếu huyện làm tốt, có cần thí điểm hay không. huyện nào chậm, còn khó khăn, vướng mắc về điều kiện, nếu chọn thí điểm có phù hợp không? Bởi vậy, cần có tiêu chí rõ ràng để các tỉnh căn cứ lựa chọn huyện thí điểm.

Thời gian thực hiện thí điểm cũng cần quy định rõ, thời điểm kết thúc thí điểm, bởi năm nay là năm gần cuối của giai đoạn 1 (2021-2025), trong khi năm 2024, nguồn vốn chuyển từ 2021 - 2022 kéo dài sang 2023 và chuyển nguồn sang 2024 sẽ gây áp lực cho địa phương triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho biết, phương án 2 Chính phủ trình sẽ thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2026 – 2030, tuy vậy đại biểu đề nghị cân nhắc trong giai đoạn này vì hiện nay các tiêu chí để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm là ưu tiên những huyện đã hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đại biểu, đây là những huyện đã có thế mạnh, có năng lực mới có thể hoàn thành, như vậy, cần phải tính đến thí điểm những huyện này chắc chắn sẽ thành công.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải cân nhắc và tính toán mục đích muốn thí điểm cho đối tượng nào, cần phải làm rõ. Tức là chúng ta muốn kích cầu để đưa những huyện có những cơ sở chưa có khả năng đạt được thì đầu tư chẳng hạn. Còn nếu chúng ta lựa chọn những huyện chắc chắn khả năng thành công thì cũng phải có những tiêu chí lựa rõ ràng hơn để có cơ chế để thí điểm”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Bên cạnh đó, có một số ý kiến băn khoăn về hai phương án Chính phủ trình và đề nghị cân nhắc thêm về thời điểm tiến thành thí điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết, phương án 1 chưa thực hiện phân cấp cho cấp huyện mà chỉ chuẩn bị một số định hướng để thực hiện cho giai đoạn 2026 - 2030. Phương án 2 là thực hiện ngay nhưng chỉ giới hạn thí điểm một huyện.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, các phương án này thiết kế chỉ là công tác chuẩn bị cho giai đoạn sau. Nếu chọn phương án 2, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ còn lại hai năm 2024 và 2025. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, công tác triển khai tốt sẽ hiệu quả, nếu thủ tục giấy tờ nhiều dẫn tới triển khai thực hiện sẽ chậm và không đủ thời gian để đánh giá việc triển khai thí điểm ở một huyện đạt được như thế nào, tác động xã hội ra sao, như vậy sẽ rất khó để triển khai giai đoạn sau. Chọn phương án 1 sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng triển khai giai đoạn hai; nếu quyết tâm triển khai giai đoạn hai thật tốt, có mở rộng thí điểm, đại biểu đề nghị giai đoạn 2026-2030 không cần triển khai thí điểm nữa mà mở rộng.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cũng băn khoăn đối với cả hai phương án Chính phủ trình. Trong đó, chọn phương án 1, thời gian tới thực hiện sẽ thuận lợi hơn nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng phân cấp về cấp huyện tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện. Bởi năm 2024, các địa phương đã hoàn thành phân bổ vốn và bắt đầu triển khai thực hiện; nếu thực hiện phân cấp lại phải tiến hành các thủ tục theo quy định để phân bổ lại nguồn vốn. Theo đại biểu, để thực hiện một cách chắc chắn, hiệu quả nên thực hiện theo phương án 1; nếu thực hiện theo phương án 2 sẽ hơi gấp, tính khả thi không cao khi triển khai trong thực tiễn.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác