ĐBQH NGUYỄN MẠNH HÙNG: CẦN MỘT CHƯƠNG RIÊNG QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI

22/12/2023

Xem xét sửa đổi Luật Thủ đô, đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 nhận được sự nhất trí cao của đại biểu Quốc hội. Góp ý cho dự án Luật quan trọng này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho rằng dự thảo Luật cần có một chương riêng quy định về “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”

XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ CĂN CỨ, TIÊU CHÍ ĐỂ XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

Qua đánh giá 10 năm thực hiện Luật Thủ đô vẫn còn rất nhiều các hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng giao thông, hạ tầng văn hóa xã hội, tôn giáo, các việc thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an ninh xã hội, an sinh xã hội, phát triển giáo dục khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong đó, theo nhiều đại biểu, lần sửa đổi này cần có quy định đặc thù hơn về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 Chương II của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

Phóng viên: Thưa đại biểu, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, trong bối cảnh tình hình hiện nay, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Thực tế kinh nghiệm các nước cho thấy, các nước đã vượt qua các bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành các nước phát triển, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc, họ rất ít khi dựa vào tài nguyên và chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá và phát triển.

Việc Luật Thủ đô 2012 chỉ có một câu tại khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm thì dự thảo luật lần này sửa đổi đã có hẳn một điều là Điều 17 quy định về nội dung này, cho thấy một sự tiến bộ rất rõ và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi quy định còn chưa rõ, chưa đầy đủ và cần phải hoàn thiện để việc triển khai được khả thi và hiệu quả hơn.

Theo số liệu tôi tra cứu được, giai đoạn 2013-2022 Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học, Thành phố Hồ Chí Minh là một nơi cũng có rất nhiều các chính sách để thu hút nhân tài trong giai đoạn 2018-2022 nhưng chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Phóng viên: Như ông vừa phân tích, chính sách trọng dụng nhân tài rất quan trọng, vậy đại biểu có đề xuất theo hướng nào để hoàn thiện quy định này?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất, dự thảo luật đang đặt nội dung về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Chương II về chính quyền Thủ đô. Tôi nghĩ cách sắp xếp này còn tương đối khiên cưỡng và không phù hợp.

Thứ hai, thực tế cho thấy không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

Thứ ba, cần làm rõ hơn khái niệm nhân tài. Theo tôi người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất trong việc được giao; có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có một câu nói rất nổi tiếng, đó là "Tôi ưa chuộng hiệu quả với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm là anh ta đã làm việc bao nhiêu năm, nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó thì hãy sếp anh ta ở vị trí đó".

Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy theo ông có cần thiết, thiết kết một chương riêng quy định về chính sách: “ Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực hay không?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi rất nhất trí với việc cần có một chương riêng về nội dung này, nên đặt tên là “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Chương này nên gồm các Điều 17, Điều 24 và Điều 25 hiện đã có trong dự thảo luật, vì các nội dung của 3 điều này có liên quan chặt chẽ với nhau, gắn với bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài. Ngoài ra cần nghiên cứu bổ sung một số các quy định như sau:

Một là, xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai là, bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần thiết cả trong khu vực công và các khu vực quan trọng khác.

Ba là, bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến, thực hiện bằng được phương châm 4 không, đó là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Bốn là, xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc. Ví dụ, như Trung Quốc cũng đã có một chính sách rất riêng về nhà ở cho người tài và đây là một trong những yếu tố để giúp cho nước này trong vòng 5 năm qua đã thu hút được khoảng 900 nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về làm việc trong khu vực công.

Năm là, cân nhắc chính sách thử nghiệm cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm của mình tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các tổ chức, đơn vị dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công thì các nước quanh chúng ta như Malaysia hoặc Thái Lan cũng đang làm rất tốt việc này.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác