ĐBQH TRẦN ANH TUẤN: TẬP TRUNG NGUỒN LỰC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC NGHỊ ĐỊNH, THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA

29/11/2023

Sáng 29/11, Quốc hội đã tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, sau 22,5 ngày làm việc trách nhiệm, dân chủ, khách quan, nghiêm túc. Đánh giá kết quả kỳ họp, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh sau khi Quốc hội ban hành luật, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, phối hợp tốt trong xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

GÓC NHÌN: KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 6 VỚI NHIỀU ĐIỂM MỚI TRÊN CẢ 3 LĨNH VỰC LẬP PHÁP, GIÁM SÁT VÀ QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Toàn cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Sáng 29/11, Quốc hội đã tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sau 22,5 ngày làm việc​, đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ họp?

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV có nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Các vấn đề đặt ra được thảo luận, bàn bạc rất kỹ, từ tổ tới hội trường. Quá trình tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các dự án luật cũng đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các ý kiến tiếp thu từ đại biểu Quốc hội đều là ý kiến xuất phát từ thực tiễn hoạt động điều hành của chính quyền các cấp, giúp cho các dự án luật hoàn thiện và đi vào cuộc sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện tốt hơn trong thời gian tới. Mặc dù các ý kiến, vấn đề lớn được tiếp thu trong các luật được thông qua và các dự án luật cho ý kiến lần đầu đã được tiếp thu. Đại biểu trông chờ bản đã tiếp thu, hoàn thiện để tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, nhưng việc gửi lại cho đại biểu Quốc hội đôi khi còn chậm.

Tôi cho rằng, có nhiều đổi mới phương pháp làm việc của Quốc hội, từ thảo luận tổ tới thảo luận tại hội trường, chất vấn, trả lời chất vấn, cho ý kiến vào các dự án luật, công tác chỉ đạo, điều hành các phiên họp đã phát huy dân chủ, khơi gợi trí tuệ của đại biểu.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Cách điều hành tại các phiên họp đã phát huy tính dân chủ cao, đại biểu có thể tranh luận nhiều lần để đi tới cùng để làm sáng tỏ, minh bạch các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn. Qua thảo luận, tranh luận là cơ sở, nền tảng để Chính phủ và các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hơn trong quá trình triển khai các quy định trong luật, tạo điều kiện việc thực thi hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, có nhiều quyết sách về kinh tế để phục hồi và phát triển đất nước được thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đại biểu kỳ vọng như thế nào về những nội dung đã được Quốc hội thông qua?

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Có nhiều quyết sách tại Kỳ họp này đã được Quốc hội quyết định nhằm giảm khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và những cú sốc bên ngoài vào nền kinh tế. Tôi kỳ vọng, việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan thực thi chính sách cần quyết liệt hơn, cần đưa ra các chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết đoán hơn nữa trong thời gian tới. Bởi hiện nay đã có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai công việc cụ thể tới từng cán bộ, viên chức thực thi nhiệm vụ; cùng với việc chỉ đạo, điều hành cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giám sát kiểm tra về chất lượng, tiến độ thực hiện tham mưu, kịp thời ban hành chính sách phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội trong năm 2024.

Phóng viên: Có 7 luật, 9 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đại biểu để luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, việc sớm ban hành văn bản quy định chi tiết cần được coi trọng và đẩy nhanh như thế nào?

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ rằng, sau khi Quốc hội ban hành luật, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, phối hợp tốt trong xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn luật, nghị quyết để triển khai thật nhanh vào cuộc sống.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, với các đơn vị trong cơ quan ban hành quy định đó cần được thực hiện tốt và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, nêu rõ thời gian hoàn thành. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ, chịu trách nhiệm về việc ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn, để khi luật có hiệu lực có ngay văn bản hướng dẫn triển khai trong thực tế. Trong quá trình triển khai, có vướng mắc cần được tổng hợp để điều chỉnh phù hợp, bởi trong quá trình triển khai ở địa phương gặp vướng mắc, phải chờ hướng dẫn của bộ ngành, ảnh hướng tới tiến độ triển khai luật, nghị quyết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác