TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ
GÓC NHÌN: NHÀ NƯỚC MUA LẠI DỰ ÁN BOT GIAO THÔNG LỖ KÉO DÀI - NÊN HAY KHÔNG NÊN?
GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN VÀ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT ĐƯỜNG BỘ TRONG BỐI CẢNH MỚI
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ
Báo cáo trước Quốc hội về thẩm tra dự án Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ (GTĐB) và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn GTĐB.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới
Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.
Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.
Làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”
Phát biểu góp ý dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với Hồ sơ Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo về quy định về Hệ thống giao thông thông minh tại khoản 1 Điều 7, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”, hoặc chỉnh lý cụm từ “trí tuệ” bằng một cụm từ khác phù hợp hơn với nội hàm của “Hệ thống giao thông thông minh”. Đồng thời cân nhắc, làm rõ thêm, trong khái niệm về Hệ thống giao thông thông minh nêu trên có bao gồm việc ứng dụng công nghệ AI về trí tuệ nhân tạo không?
Theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” còn trừu tượng, chưa thực sự rõ nghĩa. Khi triển khai cụ thể hóa trong thực tiễn sau này, dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau và rất dễ gây tranh luận.
Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý dự thảo Luật Đường bộ.
Đối với quy định về “Đất hành lang an toàn đường bộ” tại Điều 19, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, hiện nay, đang có vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đối với thửa đất có phần diện tích đất, nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Cụ thể:
Vướng mắc thứ nhất, về quy định, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan quản lý về giao thông, theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 và tại Điều 122 Dự thảo Luật đất đai, thì không có quy định về việc cấm chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp nêu trên. Theo quy định tại Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008, cũng như tại Điều 19 Dự thảo Luật Đường bộ này, thì quy định là không được chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ.
Vướng mắc thứ hai, về thực tiễn tại địa phương, đối với phần diện tích đất nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, người dân được quyền chuyển mục đích từ đất Nông nghiệp sang đất ở. Tuy nhiên, muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì phải đảm bảo có phương án đấu nối đường giao thông hoặc kết nối lối đi. Còn đối với phần diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ, thì người dân không được chuyển đổi, mặc dù chỉ tiêu sử dụng đất, trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã phù hợp, thì phần đất đó vẫn là đất nông nghiệp. Do vậy, phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghĩa là, không được san lấp mặt bằng, không được xây dựng sân bê tông hoặc đường đi…
Vậy là nếu ko có lối đi, người dân không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng đất cho cả thửa đất. Từ đó, gây búc xúc cho người sử dụng đất, sẽ phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại. Mà đây thực sự là một nhu cầu thiết yếu của người dân.
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.
Vướng mắc thứ ba, trong trường hợp cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, mà đã phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Lúc này, Diện tích đất được chuyển đổi này cho phép đảm bảo kết nối về lối đi. Từ đó, có thể giải quyết được nhu cầu của người sử dụng đất, hạn chế búc xúc của người dân.
Tuy nhiên, một bộ phận người sử dụng đất sẽ không đồng tình, do phải nộp tiền sử dụng đất cao đối với diện tích sau khi được chuyển đổi, mà nằm trong hành lang an toàn đường bộ, trong khi lại không được xây dựng nhà ở, công trình khác.
Từ những vướng mắc trên, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc bổ sung thêm quy định vào khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật theo hướng cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, mà chưa được Nhà nước thu hồi.
Đồng thời cân nhắc, có chính sách hỗ trợ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất cho người dân đối với diện tích nếu được chuyển đổi nằm trong hành lang an toàn đường bộ, một cách phù hợp. Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai Dự thảo Luật, trong đó bao gồm Điều 122 Dự thảo Luật Đất đai và Điều 19 Dự thảo Luật Đường bộ./.