PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN CẦN BÁM SÁT CÁC NGHỊ QUYẾT, VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG, BẢO ĐẢM TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP
SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN: XÂY DỰNG HỆ THỐNG TOÀ ÁN CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tổng kết 08 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành; đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới và tham khảo có chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến trên thế giới.
Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 07 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giảm 02 chương, tăng thêm 57 điều. Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
Góp ý nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực quan trọng này và khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành sau 08 năm thi hành. Hồ sơ dự án Luật cũng cơ bản đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về lĩnh vực tư pháp như Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Công ước thu thập chứng cứ của Hội nghị La Hay, các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước... Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung có liên quan để bảo đảm tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Quan tâm tới nội dung Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 1), đại biểu Trần Thị Hồng An chỉ rõ, Hiến pháp năm 2013 mới chỉ xác định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, không phải là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp và cũng không quy định về nội hàm quyền tư pháp. Với quy định về quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp và một số quyền khác như quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu nội hàm quyền tư pháp chỉ bao gồm các quyền nêu trên và chỉ do Tòa án thực hiện.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo đó, quyền lực nhà nước được phân định thành ba nhánh và phân công cho các cơ quan khác nhau thực hiện đồng thời có sự phối hợp lẫn nhau.. Do đó, đề nghị cân nhắc việc quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật. Hiện nay còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, nhà khoa học về khái niệm quyền tư pháp. Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, mà cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, dự thảo Luật quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử". Đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật bởi Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”. Thẩm quyền này của Hội đồng Thẩm phán đã được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Việc phân tích, làm rõ lý do áp dụng quy định pháp luật trong bản án, quyết định để giải quyết vụ việc cụ thể thực chất chỉ là hoạt động áp dụng pháp luật có tính chất nghiệp vụ trong xét xử. Quy định như dự thảo Luật dễ gây nhầm lẫn sang thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan tới việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, đại biểu cho rằng, việc “đổi tên gọi” chỉ là vấn đề hình thức, chưa có sự thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tòa án theo tinh thần “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm. ” tại Nghị quyết số 49-NQ/TW Bộ Chính trị.
Các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử. Việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của các Tòa án này như Luật hiện hành đang quy định.
Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Tư pháp về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia bởi Hiến pháp năm 2013 không quy định về Hội đồng tư pháp quốc gia. Khi xây dựng và ban hành Nghị quyết 27, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đưa nội dung thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia vào Nghị quyết. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia được thành lập theo Luật hiện hành và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, không cần thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia mà giữ nguyên quy định hiện hành; đồng thời nghiên cứu, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn để Hội đồng này hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử, phù hợp với thể chế chính trị của đất nước.
Cũng theo đại biểu, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, chuyên môn hóa hoạt động xét xử của Tòa án để thực hiện xét xử đối với một số loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn cao, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức, công tác đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực thẩm phán phải có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực cụ thể như phá sản, sở hữu trí tuệ... để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình và làm rõ hơn nội dung này đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Mặt khác, bày tỏ nhất trí với việc quy định về giám sát hoạt động của Toà án, tuy nhiên, đại biểu cho rằng không cần thiết quy định “việc giám sát phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và độc lập xét xử của tòa án” do nội dung này đã quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về nguyên tắc hoạt động giám sát (Khoản 3 Điều 3) và độc lập xét xử là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật này./.