ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ VIỆC KHAI THÁC MỎ KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã: bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều , sửa đổi 229 điều.
Theo đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất;… Tuy nhiên, đây là dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác; nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu;..
Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Văn An quan tâm tới hai nội dung: Một là, cần xem xét tiếp tục rà soát bổ sung để bao quát đầy đủ, rõ ràng hơn các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79 Dự thảo Luật). Hai là, cần xem xét chỉnh lý quy định phân cấp cho HĐND cấp tỉnh thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác liên quan đến với việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý rừng, đất đai theo các Nghị quyết của Quốc hội (liên quan đến Điều 123 và Điều 262 Dự thảo Luật). Cụ thể:
Bảo đảm bao quát rõ ràng, đầy đủ hơn các trường hợp thu hồi đất
Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79 của Dự thảo Luật): Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của Nhân dân, ý kiến các vị ĐBQH và đã bổ sung, quy định cụ thể 31 trường hợp thu hồi đất; theo đó đã hoàn chỉnh rõ ràng, cụ thể hơn nội hàm các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, hạ tầng bưu chính viễn thông… Tuy nhiên từ thực tiễn, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung quy định tại Điều 79 để bảo đảm bao quát rõ ràng, đầy đủ hơn các trường hợp thu hồi đất cụ thể sau:
Tại Khoản 4 Điều 79, đề nghị chỉnh lý cụm từ “Xây dựng công trình xử lý chất thải rắn” thành “Xây dựng công trình xử lý chất thải” để bao gồm cả công trình xử lý nước thải, đồng thời cần bổ sung nội dung thu hồi đất để “xây dựng công trình xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn”, vì nội dung này liên quan đến điểm i khoản 1 Điều 158 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Về chất thải rắn, cùng với thu hồi đất để xây dựng trạm trung chuyển, cần bổ sung việc Thu hồi đất để bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật Bảo vệ môi trường.
Khoản 5 Điều 79. Về xây dựng công trình năng lượng, đại biểu kiến nghị cần rà soát bổ sung cụ thể việc thu hồi đất liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn các công trình năng lượng (như hành lang bảo vệ công trình lưới điện cao áp; công trình điện gió,...);
Khoản 25 Điều 79, quy định về trường hợp thu hồi đất đối với “Hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép” cần phải rà soát, xem xét bổ sung đối với trường hợp đặc thù là “Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường”. Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành thì trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Quy định như Luật hiện hành là phù hợp với thực tiễn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình cung cấp vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Do đó, đề nghị xem xét chỉnh lý khoản 25 Điều 79 để Chủ đầu tư được sử dụng đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 128 dự thảo Luật.
Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng
Liên quan đến việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai theo các Nghị quyết của Quốc hội: Tại điểm b khoản 2 Điều 262 Dự thảo Luật quy định Bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần rà soát làm rõ các vấn đề sau:
Một là, nội dung quy định điểm b khoản 2 Điều 262 chưa rà soát giải quyết nội dung liên quan đến quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; mặt khác lại đi ngược một số chính sách mới được Quốc hội thông qua cho phép thí điểm. Quy định như dự thảo Luật thì các chính sách thí điểm về quản lý đất rừng, đất trồng lúa tại 05 tỉnh, thành phố nói trên sẽ chấm dứt nửa chừng, khi chưa đủ thời gian tổng kết, đánh giá (các Nghị quyết liên quan của Quốc hội được thực hiện thí điểm trong 05 năm).
Theo các Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Thì về quản lý đất rừng, đất trồng lúa, Quốc hội còn cho phép thí điểm phân cấp giao: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên trở lên của tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa (Bao gồm cả trường hợp sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Hai là, để bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa 02 vụ trở lên và đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp hiện hành đã quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên đến dưới 50 ha. Thời gian vừa qua, Quốc hội có ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm phân cấp thẩm quyền nói trên cho HĐND cấp tỉnh tại TPHCM và 05 tỉnh, thành phố. Nay theo quy định như tại Khoản 1 Điều 123 của Dự thảo Luật sẽ phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng của Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp luật hiện hành cho HĐND cấp tỉnh với phạm vi cả nước. Trong khi thực tiễn việc triển khai chính sách thí điểm tại các địa phương chưa đủ thời gian tổng kết, đánh giá những mặt tích cực và tồn tại, hạn chế.
Vì vậy đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, cần làm rõ các vấn đề nêu trên và xem xét, chỉnh lý quy định tại Khoản 1 Điều 123 và điểm b khoản 2 Điều 262 của Dự thảo luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng trong bối cảnh hiện nay./.