GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TĂNG TỶ LỆ VỐN NHÀ NƯỚC THAM GIA DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

29/10/2023

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ: TẠO ĐỘT PHÁ TRONG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Trên cơ sở đánh giá quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ,  Chính phủ đã đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 05 nhóm chính sách.

Cho ý kiến về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Có thể thấy, khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu “thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng...”. Đại biểu băn khoăn, cơ chế, chính sách thiếu ổn định là những cơ chế, chính sách cụ thể nào? Qua đó, đề nghị Ủy ban Kinh tế cần tăng cường giám sát về những bất cập, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách cho hình thức đầu tư PPP, làm rõ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, từ đó có những điều chỉnh, tăng hiệu quả của các dự án giao thông PPP.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết có quy định “đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm”.

Bày tỏ đồng tình với nội dung này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để dự án thực hiện được thì địa phương cũng phải có trách nhiệm chia sẻ, nhất là về ngân sách. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để triển khai thực hiện được dự án, ngoài việc cam kết bố trí nguồn lực cũng cần quan tâm đến phương án về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng vào dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, nội dung Điều 7 dự thảo Nghị quyết kế thừa nội dung đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ quy định trong 02 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. Đến nay, đã gần hết thời gian (02 năm) cho phép thực hiện cơ chế này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo có đánh giá tình hình các dự án, các nhà thầu thi công dự án thực hiện thí điểm chính sách này, những khó khăn vướng mắc, bất cập phát sinh liên quan đến khai thác các mỏ cát, đất san lấp phục vụ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong thời gian qua. Đồng thời, cần giải trình làm rõ lý do đề xuất 16 dự án trong danh mục (phụ lục 4 dự thảo Nghị quyết) được đề nghị thí điểm chính sách đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Cũng theo đại biểu, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm chính sách đặc thù nói trên, đề nghị tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết cần xem xét bổ sung nội dung quy định “Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công dự án chỉ được sử dụng sản phẩm khai thác từ các mỏ khoáng sản này phục vụ cho xây dựng dự án” và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án.

Để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án, các đại biểu còn đề nghị cần xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký; Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm. Đồng thời, rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết (năm 2026) cho phù hợp với thời gian dự kiến khởi công - hoàn thành các dự án được thí điểm chính sách đặc thù./.

Lê Anh

Các bài viết khác