ĐBQH NGUYỄN HỮU THÔNG: CỤ THỂ HOÁ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ BẢO VỆ CÁN BỘ DÁM NGHĨ, DÁM LÀM
Nhằm cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nghị định nêu rõ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định và pháp luật có liên quan.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Để thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc ban hành Nghị định của Chính phủ cần giải quyết được những khó khăn trước mắt, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho sự phát triển. người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có tầm nhìn xa để không vì áp lực phải đổi mới, sáng tạo, mà nôn nóng ủng hộ những ý tưởng chưa chín muồi, không phù hợp với thực tế và khó mang lại hiệu quả.
Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trước hết là hướng tới việc người lãnh đạo cơ quan, đơn vị khuyến khích sự sáng tạo có nhiều cơ hội thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Song, trong trường hợp hy hữu mà sự đổi mới không thành công và mang lại kết quả như mong muốn, người đứng đầu cũng cần chia sẻ trách nhiệm với cán bộ dưới quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, một quy định mới được ban hành sẽ liên quan đến nhiều quy định hiện hành vì vậy cần phải xem xét, rà soát tổng thể tránh sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành vẫn chưa có quy định này; hơn nữa Nghị định 73/2023/NĐ-CP còn liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công chức hằng năm hay các tiêu chuẩn để xem xét đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Do vậy, cần tiến hành sửa đổi đồng bộ, phù hợp để khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng lưu ý cần chủ động nhận diện rõ ràng ranh giới giữaviệc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và những người lợi dụng để làm sai. Trong Nghị định 73/2023/NĐ-CP cũng quy định tương đối rõ, trong đó điều quan trọng nhất để nhận diện đó là động cơ, mục đích của việc dám nghĩ, dám làm. Việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn mà những việc làm đó chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành nhưng xét thấy nếu tiến hành sẽ mang lại lợi ích rất lớn, vì lợi ích chung, không vì tư lợi, lợi ích cá nhân. Trong quá trình đánh giá cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, công bằng, công minh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cần có giải pháp tổng thể phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá của tất cả người dân vì sự phát triển của đất nước.
Phạm vi điều chỉnh của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị là đảng viên, còn phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP là cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài những đối tượng này còn rất nhiều người như nông dân, công nhân, trí thức, cần có những cơ chế phù hợp để những đối tượng này dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, điểm khác cơ bản giữa trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa cán bộ, công chức, viên chức với công dân đó là, theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Đối với công dân, được làm những việc pháp luật không cấm.
Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, việc khuyến khích các đối tượng như nông dân, công nhân dám nghĩ, dám làm, có những sáng tạo đột phá cũng được tiến hành thường xuyên. Đại biểu lấy ví dụ, đối với công nhân đã có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo của đội ngũ công nhân để cải tiến kỹ thuật, mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp và đã được khen thưởng xứng đáng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân rất táo bạo, dám nghĩ, dám làm trong phạm vi công việc của mình, trên thực tế có nhiều nông dân có thể sáng tạo được cỗ máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và sáng kiến cải tiến khoa học ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục vụ công việc của mình.
Để khuyến khích nhiều hơn, để phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đại biểu đề nghị có hình thức cụ thể, như khen thưởng kịp thời, nhân rộng mô hình. Đối với người nông dân chủ yếu vẫn là âm thầm sáng tạo và ứng dựng sản phẩm trên phạm vi nhỏ, chưa được nhân rộng, thậm chí không đăng ký bản quyền sáng chế. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ người có các sáng tạo đột phá, có hình thức biểu dương, khen thưởng xứng đáng, kịp thời; đồng thời giúp người nông dân đăng ký bản quyền sáng chế và đưa sáng chế đó ra thị trường.
Đối với đội ngũ công nhân, đại biểu cho rằng, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội liên quan đến người công nhân rất quan trọng, bởi nếu có cuộc sống tương đối ổn định sẽ có thời gian để tìm tòi để có những sáng tạo mang tính đột phá. Vì vậy, cần có giải pháp tổng thể mới có thể phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá vì sự phát triển của đất nước.