ĐBQH LÊ KIM TOÀN: CẦN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN ĐI ĐÔI VỚI PHÂN BỔ NGUỒN LỰC CHO ĐỊA PHƯƠNG

24/10/2023

Đóng góp ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tạo cơ chế đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và cơ chế giám sát cho địa phương, để đẩy nhanh giải ngân nguồn lực vào dự án trọng điểm để phục hồi tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: PHẢI THỰC HIỆN GIÁM SÁT VỀ TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, TRANG THIẾT BỊ, VẬT TƯ Y TẾ

ĐBQH NGUYỄN TRÚC SƠN: HỖ TRỢ TỐT NHẤT CHO DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT, KINH DOANH

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và định hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ. ông có đánh giá như thế nào về thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của Chính phủ?

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội bởi các báo cáo rất thực chất, cụ thể và toàn diện, đã phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta trong năm 2023, cũng như nửa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025. Nền kinh tế cũng có nhiều điểm sáng nổi bật, thể hiện rất rõ là kinh tế của nước ta tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá. Quý sau tăng cao hơn quý trước. Điều này thể hiện quyết tâm cao trong điều hành nền kinh tế giữ kinh tế vĩ mô ổn định. Đáng chú ý, nông nghiệp vẫn giữ mức tăng ở mức cao, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế. Dịch vụ  phục hồi, phát triển nhanh. Chúng ta đã có sự phục hồi rất nhanh sau hai năm đại dịch, nhiều lĩnh vực đã quay trở lại phát triển như thời kỳ trước dịch rất là sôi động. Điểm sáng nổi bật thứ 2 là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước được đặc biệt quan tâm đầu tư và có những công trình trọng điểm kết nối và lan tỏa cao. Đây là tiền đề tạo thế phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Điểm nổi bật thứ 3 là an sinh xã hội được đảm bảo nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống việc làm cho người dân được ban hành và quan tâm triển khai thực hiện. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, chúng ta vẫn thực hiện được các chế độ, chính sách giảm các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ cho các gia đình chính sách,tạo sự đồng lòng rất cao của nhân dân trong cả nước. Điểm sáng thứ 4 là trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt mục tiêu, đảm bảo được các nguồn chi mới tạo nguồn lực cho phát triển. Các cái chỉ tiêu về lạm phát, về nợ công đều trong tầm kiểm soát theo Nghị quyết của Quốc hội. Điểm sáng thứ 5 là hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, nâng tầm vị thế của đất nước, đặc biệt mối quan hệ với các nước lớn, rất là hài hòa, tạo cái thế, cái vị thế của đất nước ta.

Phóng viên: Là đại biểu QH đồng thời cũng là lãnh đạo địa phương, ông thấy rằng đâu là điểm nghẽn lớn nhất đang khiến nền kinh tế khó hấp thụ nguồn lực từ nhà nước?

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi đánh giá cao Chính phủ khi nêu bật những cái điểm sáng nổi bật thì Chính phủ đã nhìn thẳng vào những khó khăn mà trước hết là sản xuất công nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, giá trị của các đơn hàng mới so với các năm trước đây đạt thấp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường thu hẹp rồi. Thị trường bất động sản hiện chưa có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản ứ đọng vốn, nguồn lực vì tiền nằm chết trong dự án. Nếu kéo dài sẽ gây lãng phí rất lớn về nguồn lực, tài nguyên. Từ đó sẽ làm mất niềm tin của nhà đầu tư thứ cấp vào thị trường. Từ đó kéo theo việc đấu giá quỹ đất do nhà nước quản lý để quy hoạch đầu tư hạ tầng nhà đầu tư không mặn mà. Đây là cũng là cái điều đáng lo ngại. Từ đó khiến tốc độ tăng trưởng của các địa phương cũng không đạt mục tiêu. Kinh tế khó khăn dẫn đến nhiều vấn đề về xã hội. Trong thời gian gần đây thì trật tự an toàn xã hội có những biểu hiện đáng lo ngại như bạo lực học đường, ma túy, tai nạn giao thông, tín dụng đen.

Thứ tư là việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế, thủ tục hành chính dù đã cải cách, rà soát nhiều nhưng ngày càng phức tạp. Vấn đề này cần  được xem xét toàn diện hơn vì hiện vướng ở rất nhiều lĩnh vực. Vì vậy, quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực chứ không phải quy định chặt để làm khó khăn thêm cho phục vụ người dân bởi đích cuối cùng của là làm sao để người dân phải được phục vụ tốt hơn và tránh được tiêu cực hơn. Nhiều đại biểu đã cho biết 3 chương trình ba mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, hay gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau dịch rất nhân văn, ý nghĩa nhưng tại sao khó triển khai vì khâu thủ tục hành chính không đồng bộ, thống nhất nên cuối cùng hiệu quả không như mong muốn.

Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương xã hội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và cơ chế giám sát ( ảnh minh hoạ)

Phóng viên: Thưa đại biểu, từ góc nhìn của đại biểu, ông thấy đâu là những giải pháp ưu tiên để tiếp tục tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ?

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Về phương hướng, nhiệm vụ của năm 2024 cũng như là thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục việc hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại, rồi thông qua những hoạt động của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Trong bối cảnh và thị trường bị thu hẹp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng mong Chính phủ chỉ đạo cho các thương vụ Việt Nam và đối ngoại cùng hiệp hội các ngành nghề kết nối để mở rộng thị trường, cung cấp các thông tin về các doanh nghiệp. Điều mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất cần thiết.

Thứ hai là đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ, tạo cơ chế hành lang pháp lý để phát triển thị trường bất động sản. Vướng mắc hiện nay không phải là vốn mà quan trọng nhất là tính pháp lý của các dự án. đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại để tạo niềm tin cho nhà đầu tư thứ cấp về mặt pháp lý. Hiện sau một thời kỳ thị trường bất động sản tăng nóng đã hình thành một mặt bằng giá mới ở nhiều phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường bất động sản công nghiệp và bất động sản hạ tầng công nghiệp và nguyên tắc khi đã hình thành giá mới ở mức cao thì không cơ quan nhà nước nào hoặc là cơ quan thẩm định giá nào tự dưng đùng cái kéo xuống được để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường. Với tình hình giá cả bất động sản ở nhiều phân khúc cứ tăng như vậy thì rất khó cạnh tranh. Vì vậy cần đảm bảo tính pháp lý của các dự án thì thị trường sẽ cân bằng trở lại. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương xã hội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và cơ chế giám sát. Từ góc độ địa phương, tôi ủng hộ quan điểm này của Chính phủ

Tôi nhất trí đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Nhiều chương trình rất là nhân văn, rất là thiết thực nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện xong
.theo tôi, đây là chính sách đặc thù thì phải có cơ chế đặc thù để thực hiện thì chính sách mới đạt được hiệu quả và tính hiệu quả phải đánh giá cả giai đoạn, chứ đừng nhìn vào từng năm.

Tôi ủng hộ việc xây dựng mô hình thí điểm ở các địa phương, các thành phố và cần có đánh giá, tổng kết theo cơ chế Ban chỉ đạo, từ đó, tổng kết điểm nào được, điểm nào chưa được, có tiếp tục thực hiện nữa hay không, cần bổ sung, hoàn thiện gì? cần nhân rộng hay không thì cần đánh giá cụ thể và trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác