GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM - TẠO ĐỘNG LỰC, ĐÒN BẨY ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

23/10/2023

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã trọng thể khai mạc sáng nay (23/10/2023). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các đại biểu Quốc hội tin tưởng, qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

9h00 sáng 23/10/2023, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn... Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quan tâm tới việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu rõ đây là một nội dung quan trọng được cử tri hết sức quan tâm tại kỳ họp lần này. Cử tri và Nhân dân đặt yêu cầu và tin tưởng vào sự công tâm, khách quan, công bằng, toàn diện của từng đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó, đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh. Đại biểu nhấn mạnh, đây không chỉ đánh giá đối với cá nhân của người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mà còn là đánh giá đối với cả ngành, lĩnh vực mà cá nhân đó đứng đầu, quản lý, phụ trách.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cũng có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Chẳng hạn, tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao có tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đây là những bước tiến mới cho thấy giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn, hiệu quả hơn; biện pháp áp dụng đối với người có tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đại biểu tin tưởng, qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để không ngừng nâng cao tiềm lực của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phân tích, đối với người giữ chức vụ, kết quả tín nhiệm là tấm gương soi, đánh giá của đại biểu Quốc hội và cũng là của cử tri về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Từ đó, có thêm nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Còn đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước. Chính vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu rõ, một hoạt động quan trọng, được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm tại Kỳ họp thứ 6 là lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" vô cùng quan trọng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực, phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu. Trên cơ sở đó thẳng thắn nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở các ngành, lĩnh vực cụ thể, kịp thời có giải pháp khắc phục triệt để.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ có tác động trực tiếp. Khi có sự nhìn nhận toàn diện, khách quan, tuyệt đối về chất lượng, trách nhiệm cũng như năng lực, lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo của các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tích cực nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn của những người trong cuộc./.

Minh Thành

Các bài viết khác