ĐBQH ĐOÀN THỊ HẢO: CẦN TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG TRONG ĐỊNH GIÁ ĐẤT

25/08/2023

Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH Thái Nguyên cho rằng cần bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong định giá đất. Có thể nghiên cứu quy định theo hướng đối với khu đất có giá trị lớn tính theo bảng giá đất thì con số cụ thể có thể do Ban soạn thảo, các cơ quan chuyên môn tính toán.

Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH Thái Nguyên cho biết, về quyền của người sử dụng đất. Từ trước đến nay, các quyền của người sử dụng đất đều quy định tại Luật Đất đai, như là quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho thuê lại, quyền thừa kế v.v.. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 4 của dự thảo thì lại bổ sung quy định việc thực hiện hợp đồng, giao dịch dân sự khác đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Đại biểu đặt vấn đề, nếu thêm quy định như vậy có phải hiểu rằng ngoài quyền của người sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai thì còn có những quyền khác đối với đất đai được quy định tại các Bộ luật khác hay không? Cần cân nhắc cẩn trọng quy định này để không làm mất đi tính hiệu lực của Luật Đất đai. Đại biể cho rằng cần phải xác định rằng tất cả các quyền đối với đất đai thì phải được quy định ở Luật Đất đai.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH Thái Nguyên

Về bảng giá đất, đại biểu ủng hộ việc ban hành bảng giá đất hàng năm để đảm bảo tính cập nhật phù hợp với thị trường. Tại khoản 1 Điều 159 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026. Tại khoản 4 Điều 159 thì lại quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất để thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Như vậy thì sau khi Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ ban hành Quyết định để ban hành bảng giá đất, điều này đúng với quy định và đúng với thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thiết kế lại điều này để đảm bảo không chồng chéo, không làm phức tạp quy trình ban hành bảng giá đất, rất cần đối với địa phương, báo cáo các đồng chí như vậy, tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này.

Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong định giá đất. Đây là điều rất cần thiết đối với các địa phương. Đối với dự án luật lần này, có thể nghiên cứu quy định theo hướng đối với khu đất có giá trị lớn tính theo bảng giá đất thì con số cụ thể có thể do Ban soạn thảo, các cơ quan chuyên môn tính toán. Đại biểu đề nghị có thể quyết định theo hướng, đối với khu đất có giá trị lớn thì xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi quyết định giá đất, đặc biệt là khi đối với những khu đất mà khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu để đảm bảo vừa phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng cũng có sự kiểm soát của Trung ương, nhất là cơ quan chuyên môn. Thực tiễn ở địa phương cho thấy điều này là cần thiết và cũng không phải thêm thủ tục.

Toàn cảnh phiên họp

Về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đối với thửa đất liền kề, Điều 31 dự thảo luật quy định quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đối với thửa đất liền kề, bao gồm quyền về lối đi, cấp thoát nước, tưới nước, tiêu nước trong canh tác, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác theo quy định của pháp luật đối với thửa đất liền kề và các thửa đất xung quanh. Việc xác lập, chấm dứt quyền sử dụng đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định pháp luật về dân sự, đồng thời, phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 131 của Luật này đối với trường hợp quyền về lối đi, cấp thoát nước, tưới nước, tiêu nước trong canh tác.

Thực tiễn hiện nay, trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phát sinh nhiều trường hợp nằm ngoài chỉ giới của dự án, không thuộc đối tượng thu hồi đất nhưng lại có diện tích đất liền kề và chịu ảnh hưởng của việc thực hiện dự án. Đối với Thái Nguyên, khi nâng cấp Quốc lộ 3 cũ và xây dựng Quốc lộ 3 mới thì bây giờ cũng còn những tồn tại mà điều luật này bây giờ không thể giải quyết được. Vừa rồi, tỉnh tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải nhưng cũng không giải quyết được cũng do quy định này. Đại biểu đề nghị lần này khi sửa đổi Luật Đất đai thì phải cụ thể hơn về ảnh hưởng của những diện tích đất như trường hợp vừa nêu để có thể giải quyết được những vướng mắc thực tiễn ở địa phương.

Đối với một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu nhiều nội dung quy định, cụ thể bao gồm: Điều 29 về nhận quyền sử dụng đất, Điều 107 về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Điều 118 về giao đất không thu tiền sử dụng đất, Điều 119 về giao đất có thu tiền sử dụng đất, Điều 120 về cho thuê đất, Điều 157 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Điều 158 về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp điều chỉnh giá đất.

Minh Hùng