ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ YÊU CẦU QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, SỐ LƯỢNG NGUỒN NƯỚC CẤP CHO SINH HOẠT

15/08/2023

Quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ đồng tình với nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là phù hợp và đầy đủ. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ, khoa học, hợp lý về yêu cầu quản lý, đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

UBTVQH THỐNG NHẤT KHÔNG BỔ SUNG NƯỚC KHOÁNG VÀ NƯỚC NÓNG THIÊN NHIÊN TRONG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHÚ TRỌNG HẬU KIỂM TRONG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phỏng vấn: Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tuy nhiên có ý kiến đề nghị Luật này chỉ nên điều chỉnh về tài nguyên nước, không điều chỉnh về khai thác, sử dụng nước vì việc khai thác thuộc phạm vi của các luật kỹ thuật chuyên ngành. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, với những lý do sau:

Thứ nhất, một trong những vướng mắc, bất cập của Luật Tài nguyên nước hiện hành là có sự mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lắp với các luật chuyên ngành khác như Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Khoáng sản, Luật Thủy sản....

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này, tôi cho rằng cần có sự rà soát để thống nhất, và “quy về một mối” đối với nhiều nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiện còn đang tản mát ở các luật khác để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành luật.

Thứ ba, phạm vi “hoạt động khai thác, sử dụng nước” không phải nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này mà đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước 2012, dự thảo lần này kế thừa nội dung đó. Đối chiếu với các luật có liên quan cũng quy định về khai thác, sử dụng nước, tôi thấy Luật Tài nguyên nước quy định về khai thác, sử dụng nước ở góc độ bảo đảm nguồn nước cho khai thác, sử dụng (khía cạnh nước là một tài nguyên); còn các luật chuyên ngành khác lại quy định khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, từng phạm vi cụ thể  (đầu tư, xây dựng công trình, khai thác, vận hành công trình và điều tiết, khai thác, sử dụng nước trong phạm vi công trình....).

Với những lí do nêu trên, tôi tán thành giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nhận thấy như vậy là phù hợp và đầy đủ.

Phóng viên: Vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; quy định về phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước để tránh chồng chéo, xung đột giữa các đơn vị cấp nước… Đại biểu đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi nhất trí với việc cần phải đặc biệt quan tâm đến nước sạch, nước sinh hoạt. Nước sạch cho sinh hoạt là một mặt hàng thiết yếu của cuộc sống. Với nước sạch sinh hoạt, rất cần có sự quản lý nghiêm ngặt bởi những yêu cầu cao về chất lượng. Chất lượng nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, đến sức khỏe của mọi công dân và rộng hơn là đến sự phát triển toàn diện của một quốc gia trong bối cảnh hiện tại tài nguyên nước bị đặt trước rất nhiều thách thức: ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh nguồn nước...

(Ảnh minh họa)

Rà soát dự thảo luật, tôi nhận thấy dự thảo đã quy định những nguyên tắc chung về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (Điều 27, Điều 43). Những nội dung cụ thể khác như khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt (đầu tư xây dựng công trình cấp nước; điều kiện, năng lực của đơn vị cung cấp nước; thẩm quyền cấp nước...) có thể quy định bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước để tránh chồng chéo. 

Tuy nhiên, tôi vẫn đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ Điều 27 và Điều 43 trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để quy định một cách chặt chẽ, khoa học, hợp lý về yêu cầu quản lý, đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Phóng viên: Để tránh chồng chéo, đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên nước, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, từng bộ, ngành liên quan đến tài nguyên nước, trong đó đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi nhất trí cao với đề nghị này. Trong dự thảo mới nhất của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã có sự tiếp thu, điều chỉnh theo hướng trên. Dự thảo đã bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ: Tài nguyên và Môi tường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ về quản lý tài nguyên nước (khoản 1 đến khoản 4 Điều 78).

Dự thảo cũng đã bổ sung thêm trách nhiệm của các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước (khoản 5 đến khoản 8 Điều 78); bổ sung cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ có liên quan; trách nhiệm của UBND các cấp…

Tôi cho rằng, quy định như vậy sẽ tránh bỏ sót và tập trung những vấn đề quản lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong quản lý những vấn đề chung, bao quát cho lĩnh vực quản lý tài nguyên nước của các bộ, địa phương.

Phóng viên: Ngoài các vấn đề nêu trên, đại biểu còn quan tâm đến nội dung nào nhằm góp ý hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Ngoài những vấn đề trên, tôi còn quan tâm đến vấn đề cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và an ninh nguồn nước đối với những nguồn nước liên quốc gia. Đây là những nội dung khá phức tạp nhưng vô cùng cần thiết, phải được nghiên cứu, quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi để tài nguyên nước được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác