ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: NỘI DUNG LỰA CHỌN CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA UBTVQH MANG TÍNH THỜI SỰ, BÁM SÁT THỰC TIỄN

10/08/2023

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, nội dung được lựa chọn chất vấn về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (15/8) mang tính thời sự, bám sát thực tiễn, là vấn đề được cử tri quan tâm và mong muốn sớm được tháo gỡ.

HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện quy định của pháp luật và chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.

Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nội dung được lựa chọn chất vấn mang tính thời sự, bám sát yêu cầu của thực tiễn, là vấn đề được cử tri quan tâm và mong muốn sớm được khắc phục. Thông qua chất vấn, kỳ vọng sẽ tìm giải pháp tháo gỡ những nút thắt hiện nay, góp phần nâng cao lực quản lý của bộ, ngành, Chính phủ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Phóng viên: Ngày 15/8 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về những nội dung được lựa chọn chất vấn lần này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định 2 nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó:

Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Hai nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn là phù hợp và cần thiết. Đây là những nội dung mang tính thời sự hiện nay, được Nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Việc kịp thời chất vấn những nội dung này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay; đồng thời không chỉ nâng cao năng lực quản lý của bộ, ngành, Chính phủ mà còn góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng.

Phóng viên: Đối với  hai nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này, đại biểu đặc biệt quan tâm tới nội dung nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nông nghiệp là một lĩnh vực nhạy cảm trong cơ cấu kinh tế. Ðây là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Lĩnh vực sản xuất này cũng chịu nhiều tác động từ thiên nhiên, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Trong khi đó, tình trạng được mùa mất giá của nông sản nhiều năm qua đã gây thiệt hại tới người nông dân và dường như vẫn chưa có giải pháp triệt để cho vấn đề này.

Do đó, tại phiên chất vấn lần này, tôi mong muốn sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản. Theo đó, các vấn đề liên quan đến thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá,… sẽ được phân tích, mổ xẻ làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó có giải pháp cụ thể, sát thực để khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Bên cạnh đó, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực cũng  là vấn đề vô cùng quan trọng, được người dân đặc biệt quan tâm. Câu hỏi đặt ra là giải pháp điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo như thế nào để vừa mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh hiện nay hy vọng sẽ được các trưởng ngành trả lời thỏa đáng.

Đối với lĩnh vực tư pháp, những vấn đề đặt ra đối với ngành tư pháp hiện nay cũng rất nặng nề. Bộ Tư pháp có vai trò, trách nhiệm “gác cửa”, tham mưu cho Chính phủ trước khi trình các dự án luật. Do đó, Bộ phải thẩm định hết sức khách quan, công tâm,… đảm bảo thực hiện tốt ngay từ khâu thẩm định sẽ góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng các dự án luật. Thông tin, kết quả từ phiên chất vấn kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp toàn diện để khắc phục những hạn chế về tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội hiện nay.  

Phóng viên: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần tạo nên những chuyển biến, kết quả thiết thực trong hoạt động giám sát. Vậy, theo đại biểu đâu là những điểm đổi mới trong hoạt động này thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 02 phiên chất vấn trong năm. Thời gian qua, hoạt động này được tiến hành đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước và phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các phương tiện thông tin truyền thông quốc gia với sự tham dự rộng rãi của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách, sự tham dự của đại diện các cơ quan liên quan tại điểm cầu địa phương.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, gắn chặt với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước .

Kết thúc các phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh