ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: CÂN NHẮC LUẬT HÓA NỘI DUNG VỀ NHÀ Ở DI ĐỘNG

10/08/2023

Góp ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, nên cân nhắc luật hóa nội dung về nhà ở di động vào dự thảo Luật, giúp người dân có thêm lựa chọn nơi sinh sống phù hợp.

HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG NHÀ Ở

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Gộp một số Điều về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các chương khác nhau của Luật hiện hành và Luật hóa một số nội dung từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Căn cứ xây dựng, nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Căn cứ, yêu cầu xây dựng, nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Căn cứ xây dựng và kỳ kế hoạch, nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, bãi bỏ kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm.

Góp ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, dự thảo Luật chưa có quy định về nhà ở di động trong khi đây là loại nhà được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu. Tại Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu sử dụng loại hình nhà di động nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch, nhà vườn, cắm trại.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, tại Mỹ, nhiều khu phố cũng đã được hình thành nhanh chóng nhờ vào việc sử dụng nhà ở di động đã được lắp đặt sẵn cho những khu dân cư mới hoặc những khu đất được cho thuê mua.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ thực trạng hiện nay, việc tái định cư cho người dân để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn là làm sao để người dân nhanh chóng có chỗ ổn định.

Một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là việc chuyển dân cư ở các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn để sống tạm ở một khu vực khác trong thời gian chung cư cũ được cải tạo hay xây mới.

Do đó theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nhà ở di động là một giải pháp khả thi để giúp cho người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của nhà ở di động cũng được bảo đảm không khác gì với nhà ở thông thường. Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần. Nhà nước, nhà đầu tư có thể mua, thuê lại đảm bảo chi phí hợp lý, không bất tiện, lãng phí như việc làm nhà tạm cho người dân sinh sống trong thời gian dài…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, việc luật hóa nhà ở di động giúp người dân có thêm lựa chọn cho nơi sinh sống của mình phù hợp với tài chính, phù hợp với cuộc sống năng động của người trẻ.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thêm nhiều lựa chọn cho việc mua đất gắn liền với nhà ở, thuê đất và mua nhà ở di động đặt vào để sinh sống và sau này khi chuyển nơi khác thì cũng có thể chuyển nhà ở di động đến nơi ở mới. Mặt khác, loại nhà này mới cũng phù hợp với việc phục vụ cho phòng chống thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh để các đội ngũ y tế cứu hộ an ninh, tình nguyện viên cũng có thể phục vụ thời gian dài.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nếu như nhà ở di động được chấp nhận đưa vào Luật thì cần có quy định khu vực dành cho loại nhà này thường là khu ngoại ô, đất thương mại được thiết kế cho mục đích ở; đối với trường hợp bố trí cư dân ở các khu chung cư ở tạm để xây lại thì cũng cho phép lập khu vực này ở trên đất công ích của địa phương. Bên cạnh đó, cũng phải có tiêu chuẩn về nhà ở di động…/.

Thu Phương

Các bài viết khác