ĐỀ XUẤT GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI NHƯNG CHƯA ĐƯỢC TRẢ LỜI VÀO CÔNG TÁC BÁO CÁO DÂN NGUYỆN HÀNG THÁNG

09/08/2023

Để góp phần vào việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động giám sát, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội, các Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát đến cùng việc Chính phủ, các Bộ ngành trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; lựa chọn một số vấn đề mà nhiều lần chưa được giải quyết, trả lời để đưa vào công tác báo cáo dân nguyện hàng tháng.

NGƯỜI DÂN CÓ THỂ GIÁM SÁT CƠ QUAN, CÁN BỘ LÃNH ĐẠO THỰC THI NHIỆM VỤ THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

QUAN TÂM GIÁM SÁT THỰC HIỆN LỜI HỨA CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VÀ CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CỬ TRI

Vấn đề giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề, lĩnh vực trong thực tiễn cuộc sống được các ĐBQH đặc biệt quan tâm. 

Có thể khẳng định, Quốc hội khóa XV đã có nhiều sự đổi mới từ công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Một trong những điểm nổi bật đó là tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Điều này thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội; coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền. Nội dung thảo luận về kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cũng là một sự đổi mới giúp cho Quốc hội ngày càng gắn bó hơn, mật thiết hơn với Nhân dân.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của cử tri đối với các vấn đề, lĩnh vực nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống một cách kịp thời, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Quốc hội cần tăng cường giám sát đến cùng việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đại diện cho tiếng nói của cử tri tỉnh Hòa Bình, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh: Qua nghiên cứu Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy, việc Quốc hội đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp để Quốc hội thảo luận tại hội trường là hết sức đúng đắn, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân. Quốc hội thực hiện thảo luận sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các Bộ, ngành. Điều này càng minh chứng trong thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn đồng hành với Nhân dân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hòa Bình.

Việc Quốc hội, Chính phủ nỗ lực trong việc tiếp thu, nghiên cứu và giải trình các kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân cả nước. Đặc biệt, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận, trả lời 91/91 ý kiến, đạt 100%. Qua tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội cũng như người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri địa phương quan tâm.

Trong hoạt động của mình, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động giám sát, luôn xác định mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Điều này được thực tiễn chứng minh, đó là chất lượng hiệu quả giám sát ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhiều kiến nghị sắc nét, cụ thể, rõ ràng, chỉ ra trách nhiệm của cá nhân, tập thể được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tiếp thu phản ánh của cử tri, một số bộ, ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cử tri và Nhân dân, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong cử tri và Nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả rất tích cực trong công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Đặng Bích Ngọc thì vẫn còn một số tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ này. Đó là Một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời gian theo quy định của pháp luật, có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết, có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung, mặc dù các nội dung đó được pháp luật quy định.

Để công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, của Quốc hội và các bộ, ngành thật sự đạt chất lượng, hiệu quả cũng như đáp ứng tốt hơn mong mỏi của cử tri và nhân dân, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Quốc hội, các Đoàn ĐBH sẽ thực hiện giám sát đến cùng, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Không chỉ giám sát về số lượng các trả lời mà cần phải đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các Bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay chưa. Đặc biệt, có những nội dung trả lời thể hiện lời hứa của các vị trưởng ngành thì cần phải theo đến cùng để kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân.

Ngoài ra, đề nghị Quốc hội, các Đoàn ĐBQH thành lập các đoàn giám sát để tổ chức giám sát lại các vấn đề trả lời của Chính phủ, các Bộ, ngành, đảm bảo những trả lời của cử tri thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những căn cơ, vướng mắc, khó khăn từ cơ sở, hạn chế tối đa những đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiếp tục tạo niềm tin của cử tri và nhân dân với Quốc hội. Đây cũng là điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân, để thực sự để thực sự nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 vừa qua là minh chứng cụ thể cho tinh thần đổi mới trách nhiệm của Quốc hội, thể hiện sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của cử tri, quan tâm đến kết quả giải quyết của cử tri.

Để góp phần giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị báo cáo làm rõ qua giám sát lĩnh vực nào đã có chuyển biến tích cực, cơ quan nào có tiến bộ rõ rệt trong vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri. Đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri đã có hiệu lực, hiệu quả như thế nào.

Đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục quan tâm hơn nữa, đôn đốc việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri với các Bộ, ngành Trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát về nội dung trả lời, thực hiện các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc, nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, việc giám sát trước mỗi kỳ họp, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH các tỉnh lựa chọn một số vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết, trả lời để đưa vào công tác báo cáo dân nguyện hàng tháng. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội gắn với quá trình giải quyết để đưa vào chương trình giám sát thường xuyên.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Nhằm nâng cao chất lượng tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Quốc hội không nên tập trung vào tiếp xúc cử tri thường kỳ mà cần tăng cường vai trò giám sát thông qua những hoạt động cụ thể. Thực tế có nhiều việc có thể ban đầu nội dung không trực tiếp tác động đến người dân. Khi đối chiếu với các quy định hiện hành thì không sai, đúng hết. Nhưng trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện thì lại gây ra những tác động gián tiếp, ảnh hưởng lớn, gây bức xúc, rất cần quan tâm, xem xét thấu đáo để từ đó có những cơ chế, chính sách hợp lý.

Với những quan điểm, đề xuất như trên, các ĐBQH kỳ vọng Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe, bám sát những ý kiến, kiến nghị của cử tri để có sự chỉ đạo Chính phủ và các Bộ ngành sớm trả lời, giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề, lĩnh vực nổi cộm, phát sinh trong đời sống thực tiễn. Điều này cũng góp phần giảm thiểu đơn thư, khiếu nại tố cáo kéo dài, gây lãng phí thời gian, kinh phí của Nhà nước và Nhân dân./.

Bích Lan