ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

03/08/2023

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, điểm quan trọng trong nội dung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội,… trong hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư.

QUAN TÂM GIÁM SÁT THỰC HIỆN LỜI HỨA CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VÀ CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CỬ TRI

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69) và “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập” (Điều 70).

Tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016), quy định: Giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; Giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân (Khoản 5, 6 Điều 2). Đồng thời, Luật quy định cụ thể vai trò của các chủ thể trong hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri là chức năng giám sát của Quốc hội, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về những đổi mới trong hoạt động này thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, nỗ lực trong xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức như: tổ chức giám sát việc thi hành việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, xử lý kịp thời các đơn thư của công dân và đôn đốc các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền; hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều xem xét định kỳ kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội;…

Đối với đơn, thư thuộc trách nhiệm xử lý của Ban Dân nguyện, sau khi phân loại số đơn trùng lặp và đơn không đủ điều kiện xử lý, Ban Dân nguyện nghiên cứu, có công văn chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đối với vụ việc chậm được trả lời được tiến hành thường xuyên, việc hướng dẫn, trả lời công dân được chú trọng.

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới, bảo đảm các đơn thư nhận được đều được nghiên cứu, xử lý kịp thời; ban hành quy định tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và phân công nhóm đầu mối xử lý đơn thư.

Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội cũng có sự đổi mới phương pháp, cách thức, mang lại kết quả thiết thực như: phối hợp tốt vói các cơ quan có liên quan ở địa phương trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, góp phần hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo trong công tác chuyển đơn.  Đồng thời, công khai trên trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH văn bản trả lời kết quả giải quyết giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền để người dân thuận lợi trong việc theo dõi, giám sát.

Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, Đoàn ĐBQH và ĐBQH luôn dành nhiều thời gian gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, trao đổi trực tiếp và xác minh làm rõ những tình tiết, những nội dung liên quan đến vụ việc, để kiến nghị hướng xử lý dứt điểm.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được thì đâu là vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết chưa thực hiện được nhiều, một số nơi chưa được thường xuyên, liên tục. Đồng thời, việc đánh giá kết quả giải quyết, trả lời để đề nghị xem xét lại việc giải quyết hoặc tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật cũng chưa chú trọng nhiều.

Bên cạnh đó, hoạt động xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cá nhân đại biểu Quốc hội vẫn còn hạn chế, chủ yếu thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Ngoài ra, các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội còn chung chung, chưa gắn trách nhiệm cụ thể và thiếu chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Phóng viên: Theo đại biểu đâu là giải pháp để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có thể quan tâm tới một số giải pháp như sau:

Trong quá trình thực hiện, cần có sự hỗ trợ, phối  hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể ở địa phương. Đây là yêu cầu quan trọng không thể thiếu để Đoàn ĐBQH, cá nhân đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ theo luật định.

Đồng thời, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về cách thức theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị sau hoạt động giám sát và chế tài xử lý để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, việc gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để đại biểu Quốc hội  có thể hiểu rõ và làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri. Mỗi đại biểu Quốc hội phải không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm giám sát để có khả năng nhận định, phân tích, đánh giá đúng đắn về kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đối với Đoàn ĐBQH, cần căn cứ tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, các Đoàn ĐBQH cần nghiên cứu, cải tiến hình thức thông tin, tuyên truyền để kịp thời báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của cơ quan có thảm quyền đến cử tri như: qua hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH; công khai trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn;… để đảm bảo các ý kiến kiến nghị c ủa cử tri đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời được thông tin đầy đủ tới cử tri ở địa  phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác